Kinh nghiệm sinh mổ mẹ cần biết

shape

31 Th12

Cha Mẹ TốtTh12 31, 2019

Kinh nghiệm sinh mổ mẹ cần biết

Đa số các mẹ bầu đều không mong đợi mình sẽ kết thúc thai kỳ bằng phương pháp sinh mổ, tuy nhiên, việc chuẩn bị bằng cách tìm hiểu những kinh nghiệm khi sinh mổ sẽ giúp mẹ đỡ lúng túng và lo lắng khi phải áp dụng phương pháp sinh này.

Mẹ được lợi ích gì khi sinh mổ?

Trong số những điều cần biết khi sinh mổ, mẹ không nên chỉ tập trung vào những mặt tiêu cực như nhiều người đồn đại. Kỳ thực, trong những ca sinh mổ, các mẹ luôn có được những lợi ích từ phương pháp này. Trong suốt quá trình đau đẻ, các cơn co thắt và đau giữa âm đạo và đáy chậu có thể diễn ra một cách cực kỳ đau đớn. Mẹ có thể tránh được cơn đau này thông qua phương pháp sinh mổ. Ngoài ra, sinh mổ giúp mẹ chủ động hơn khi dự kiến được ngày sinh của bé. Bên cạnh đó, sinh mổ còn có một số lợi thế nhất định:

  • Giảm nguy cơ thiếu máu sau khi sinh.
  • Không trải qua cơn đau chuyển dạ và vùng chậu sau khi sinh.
  • Giảm nguy cơ sa tử cung.

Thông thường, các bác sĩ ít khuyến khích việc sinh mổ mà chỉ khi xảy ra những biến chứng trong ca sinh thường thì mẹ bầu mới được chuyển sang phòng mổ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều mẹ chọn sinh mổ chủ động.

Kinh nghiệm sinh mổ mẹ cần biết

Sinh mổ là giải pháp tốt nhất cho những trường hợp ngôi thai ngược, thai nhi quá to hoặc mẹ gặp biến chứng trong thai kỳ

Chuẩn bị thế nào cho một ca sinh mổ?

Mẹ sẽ cần nhớ các kinh nghiệm sinh mổ sau:

  • Chuẩn bị cho các xét nghiệm máu, nước tiểu.
  • Thảo luận cùng các bác sĩ về phương pháp gây tê.
  • Cần chuẩn bị số lượng đồ đạc cho bản thân và bé thích hợp để ở lại bệnh viện vài ngày sau khi sinh.
  • Giữ tâm lý bình tĩnh, tin tưởng vào các bác sĩ và tự tin bạn sẽ vượt qua ca sinh dễ dàng.

Chăm sóc mẹ và bé sau sinh mổ

Theo các kinh nghiệm sinh mổ được các mẹ chia sẻ, sau khi sinh, cả bạn và bé có thể đối mặt với khá nhiều vấn đề sức khỏe. Từng bước tìm hiểu và chuẩn bị cho những vấn đề này, bạn nhé.

Theo các thống kê, những vấn đề thường xảy ra với các mẹ sinh mổ bao gồm:

1. Đau sau khi mổ

Sinh thường có thể khiến mẹ đau đớn đến mức “không thể chịu nổi”, tuy nhiên cơn đau này chỉ diễn ra trong thời gian chuyển dạ và sẽ biến mất ngay sau khi bé ra đời. Đối với sinh mổ, cơn đau kéo dài rất lâu sau khi sinh. Thời gian hồi phục sau khi sinh mổ lâu hơn, và sự đau đớn từ vết mổ có thể kéo dài trong vài tuần đến vài tháng. Vì thế, khi chuẩn bị các kinh nghiệm sinh mổ, mẹ không thể bỏ qua bước giảm đau khi sinh.

Kinh nghiệm sinh mổ mẹ cần biết

Bật mí 5 cách giảm đau sau sinh mổ không cần dùng thuốc
Trong khi những mẹ sinh thường phải chịu cơn đau đẻ kinh hoàng, mẹ sinh mổ cũng phải vật vã với cơn đau của vết mổ sau khi thuốc tê hết tác dụng. Có nên uống thuốc giảm đau? Liệu có cách giảm đau sau sinh mổ không cần dùng thuốc?

2. Nguy cơ nhiễm trùng

Trước khi bước vào ca phẫu thuật, mẹ sẽ được tiêm kháng sinh, tuy nhiên vẫn có nguy cơ nhiễm trùng như:

  • Nhiễm trùng từ vết thương
  • Viêm tử cung
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Kinh nghiệm sinh mổ mẹ cần biết

Chăm sóc vết mổ sau sinh đúng cách không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng mà còn mau lành vết thương

Để tránh các nguy cơ này, mẹ cần vệ sinh vết mổ đúng cách, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng, uống thuốc theo toa đã được kê khi xuất viện và tái khám đúng hẹn để các bác sĩ kiểm tra, kịp thời phát hiện tình trạng nhiễm trùng nếu có.

3. Nguy cơ từ những cục máu đông

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hiện tượng máu đông. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ tử vong. Do đó, nếu mẹ cảm thấy bất kỳ sự khó chịu nào sau khi sinh mổ, cần thông báo ngay cho bác sĩ.

4. Tác hại của việc gây mê

Trước quá trình mổ đẻ, các bác sỹ sẽ tiến hành gây mê cho mẹ khiến những bộ phận xung quanh vùng bụng bị tê liệt. Mẹ sẽ không có cảm giác đau đớn, tuy nhiên gây mê cũng gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dù không phổ biến nhưng có thể diễn ra trong vòng 1 tuần sau khi sinh.
  • Một số mẹ bị chứng đau đầu trầm trọng sau khi sinh mổ.

Khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào bất ổn, mẹ cần chủ động liên lạc ngay với các bác sĩ để tìm nguyên nhân và cách xử lý.

5. Dính ruột, tắc ruột 

Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất sau khi sinh mổ. Một kinh nghiệm sinh mổ hữu ích để tránh tình trạng này, đó là các mẹ cần cố gắng vận động càng sớm càng tốt ngay sau khi được ra khỏi phòng hồi sức.

Các vấn đề thường gặp ở bé sinh mổ và cách chăm sóc bé

Các chuyên gia luôn khuyến cao em bé ra đời bằng phương pháp sinh thường sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn so với sinh mổ. Trẻ sinh mổ thường sẽ phải đối mặt với một số vấn đề về sức khỏe như:

1. Dễ gặp vấn đề về hô hấp

Đối với ca sinh thường, quá trình diễn ra cơn co thắt sẽ rất có lợi cho phổi của em bé. Các cơn co thắt cản trở lượng oxy từ máu đi qua nhau thai, khiến nhịp tim của bé chậm hơn, để vượt qua vấn đề này, em bé sẽ sản xuất ra một lượng hormone có tên catecholamine, giúp bé chiến đấu với những tình huống căng thẳng và bị đe dọa. Catecholamin kích thích đường hô hấp của em bé khi được sinh ra bằng cách tăng sự hấp thụ của nước ối trong phổi của bé, cũng như gia tăng quá trình sản xuất surfactant.

Khi tử cung bị co bóp và chèn ép mạnh thì ngực sẽ bị nén, giúp tống các chất lỏng trong phổi của bé ra ngoài, giúp bé thở dễ dàng hơn. Bé sinh mổ không trải qua quá trình này nên hệ hô hấp thường yếu hơn.

Để tăng cường sức khỏe cho hệ hô hấp của bé, bước đầu tiên, mẹ nên áp dụng “chiến lược” nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp bé tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nói chung và cho hệ hô hấp nói riêng.

2. Tăng nguy cơ hen suyễn

Các nghiên cứu tại Hà Lan và Na Uy đã khẳng định những em bé ra đời bằng phương pháp sinh mổ có nguy cơ bị hen suyễn cao trong tương lai. Các mẹ sinh mổ cần lưu ý theo dõi bé để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh hen suyễn như: bé hay bị khò khè, dễ mắc bệnh hô hấp, xanh xao, chậm lớn… và trao đổi cùng bác sĩ để chăm sóc bé đúng cách.

Kinh nghiệm sinh mổ mẹ cần biết

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh hen suyễn ở trẻ em thường phát triển thành mãn tính khiến bé khó thở, mệt mỏi, xanh xao trong nhiều năm, kèm theo đó thường là tình trạng chậm lớn và thể lực yếu ớt.

3. Trẻ chậm được bú mẹ

Cho con bú ngay sau sinh sẽ giúp trẻ nhận được rất nhiều lợi ích từ sữa non nhưng với những bà mẹ đẻ mổ, do đau đớn và nhiều trường hợp phải cách ly con nên việc cho con bú sẽ chậm và khó khăn hơn. Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình phẫu thuật cũng làm chậm quá trình tiết sữa, cản trở việc cho con bú, làm xáo trộn hành vi của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi muốn bú mẹ đúng cách.

Lý tưởng nhất, mẹ nên đăng ký thực hiện da tiếp da để cho con bú ngay khi bé ra đời. Đây là cơ hội để bé được bú sữa mẹ sớm nhất. Trong trường hợp sữa mẹ về chậm, mẹ vẫn nên cho bé bú để kích thích sữa tiết ra nhanh hơn.

Như vậy, khi đã đã có một cái nhìn tổng quat về những điều cần biết khi sinh mổ, từ lợi ích cho đến hạn chế, các mẹ sẽ hiểu mình có thể sắp trải qua điều gì. Tuy những nguy cơ khi sinh mổ là có thật, mẹ vẫn nên tin tưởng vào tiến bộ của y học và lạc quan về sức khỏe của bé cũng như khả năng phục hồi của mình sau sinh. Những biện pháp như da tiếp da, tích cực cho con bú sữa mẹ, tích cực vận động sau khi sinh sẽ giúp giảm các nguy cơ sức khỏe cho cả bé và mẹ. Đó sẽ là những kinh nghiệm sinh mổ vừa hữu ích, vừa thiết thực với mẹ ngay từ trong thai kỳ cho đến tận sau khi sinh.

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc