Làm việc khi mang thai: Bí quyết để cảm thấy thoải mái
Ngay cả khi công việc không yêu cầu đứng nhiều và chẳng có gì vất vả hơn là nhấc điện thoại, bạn cũng nên cố gắng chăm sóc tốt cho bản thân khi mang thai.
Nội dung bài viết
- Bí quyết giúp bạn thoải mái hơn khi mang thai
- Điều trị chứng ốm nghén trong lúc làm việc?
- Tìm lời khuyên từ đồng nghiệp hay các bà mẹ có kinh nghiệm
Bí quyết giúp bạn thoải mái hơn khi mang thai
Nghỉ giải lao: Nếu công việc thường xuyên phải đứng, bạn nên tranh thủ thời gian ngồi xuống để nghỉ ngơi hoặc đi dạo xung quanh, chuyển động cơ bắp sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu.
Cố gắng đi lại càng nhiều càng tốt: Nếu công việc phải ngồi nhiều, bạn nên đứng lên, đi lại khoảng 2 tiếng một lần sẽ giúp chân, cổ chân đỡ sưng tấy và cảm thấy thoải mái hơn. Khi đứng lên, nhớ làm một vài động tác duỗi người để bảo vệ lưng.
Mang giày thoải mái và mặc quần áo rộng rãi: Bạn nên chọn giày thấp, thoải mái nhưng kín để bảo vệ phần mũi chân. Quần áo thích hợp trong thời gian mang thai là loại rộng rãi, chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Ngoài ra, bạn cũng nên thử mặc quần ôm dành cho bà bầu hay vớ da để tránh hoặc làm giảm chứng suy giãn tĩnh mạch.
Uống nhiều nước: Để một ly nước tại nơi làm việc của bạn và thường xuyên rót đầy. Đây cũng là cách giúp bạn thư giãn. Đừng ráng nhịn khi có nhu cầu đi vệ sinh nhé.
Ăn uống đúng giờ với các món nhẹ đủ chất: Các bữa ăn nhẹ đều đặn sẽ giúp ngăn ngừa hạ đường huyết và ốm nghén. Bạn nên chọn bữa trưa cân bằng chất dinh dưỡng và thêm chất xơ vào trong bữa ăn để phòng táo bón.
Hạn chế thao tác lặp đi lặp lại: Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay khá cao vì tình trạng ứ dịch có thể làm tăng huyết áp bên trong ống cổ tay và kích thích dây thần kinh giữa. Cố gắng hạn chế các công việc đòi hỏi thao tác lặp đi lặp lại và điều chỉnh tình trạng công việc càng thoải mái càng tốt.
Giảm bớt căng thẳng: Nếu bạn không thể loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng tại nơi làm việc, có thể tìm cách để ứng phó với chúng, chẳng hạn như duỗi người, hít thở sâu hay tập yoga, hoặc đơn giản là đi bộ vài bước ngắn.
Nghỉ ngơi khi có thể: Công việc càng vất vả, bạn càng nên giảm bớt các hoạt động chân tay ngoài giờ làm.
Nếu cảm thấy mệt, nên xin nghỉ bệnh: Nên dùng 1 hoặc 2 tiếng trong số ngày phép để rút ngắn giờ làm. Nếu quá mệt mỏi đến mức không thể tập trung vào công việc, bạn nên tìm một nơi kín đáo hay ra ngoài, dùng 15 phút nghỉ trưa để chợp mắt một chút.
Bạn cũng nên từ chối làm thêm giờ, đặc biệt là những công việc đòi hỏi vận động thể lực.
Nhận sự giúp đỡ: Khi đồng nghiệp muốn giúp đỡ, nếu bạn không ngại, cứ để họ làm và nên xem như đó là sự may mắn khi được hỗ trợ tại nơi làm việc trong lúc mang thai. Đây là khoảng thời gian đặc biệt trong đời bạn và sẽ rất khó khăn khi mỗi ngày đều phải giả vờ rằng không có gì thay đổi trong lúc làm việc.
Chị em mang thai nên tìm sự hỗ trợ và lời khuyên của các đồng nghiệp nơi công sở
Điều trị chứng ốm nghén trong lúc làm việc?
Phần lớn phụ nữ đều trải qua vài lần buồn nôn, ói mửa trong giai đoạn thai kỳ và có khả năng điều đó sẽ hành bạn trong suốt thời gian làm việc.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn, nên để những chiếc túi nhựa, khăn và nước súc miệng vào trong túi xách để sử dụng khi cần. Nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc chống ốm nghén và các phương pháp khác nhằm tránh buồn nôn tại nơi làm việc.
Nếu bạn vẫn chưa báo với sếp hay đồng nghiệp về việc mang thai, nên chuẩn bị một lời giải thích thuyết phục trong trường hợp ai đó hỏi đến khi bạn không thích.
Nếu tình trạng ốm nghén của bạn đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài, bạn buồn nôn liên tục hay ói mửa thường xuyên, có thể bạn phải nói với sếp về việc mang thai sớm hơn dự kiến. Điều này có vẻ tế nhị vì bạn không muốn bị xem là người cần được giúp đỡ.
Trước khi nói với sếp, bạn nên nghĩ xem mình muốn gì:
Lòng thương hại? Thời gian nghỉ? Lịch làm việc dễ thở hơn trước khi bạn trải qua giai đoạn tồi tệ nhất? Và tìm hiểu xem sếp muốn gì, có thể là lời hứa rằng bạn sẽ tiếp tục hoàn thành công việc. Cuối cùng, đảm bảo với sếp rằng tình trạng ốm nghén của bạn thường sẽ kết thúc vào cuối tháng thứ 3.
Tìm lời khuyên từ đồng nghiệp hay các bà mẹ có kinh nghiệm
Nếu bạn may mắn làm việc ở nơi có các bà mẹ nuôi con nhỏ hoặc mang thai, nên tìm lời khuyên và sự ủng hộ của họ khi thích hợp. Các câu hỏi mà bạn thường đặt ra cho các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn là:
- Xin phép nghỉ thai sản thế nào?
- Phản ứng của sếp và đồng nghiệp thế nào khi bạn cho biết đã có thai?
- Làm cách nào duy trì vẻ ngoài và năng suất làm việc trong suốt giai đoạn cuối thai kỳ đầy mệt mỏi?
- Làm thế nào bạn khắc phục được chứng lơ đãng?
- Phương pháp cân bằng giữa công việc và gia đình?
- Bạn có bao giờ gặp phải khó khăn với lịch trình linh hoạt?
Nếu bạn trở lại làm việc, những mối quan hệ bạn tạo dựng được hiện giờ chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn khi bạn chuyển từ tình trạng mang thai sang làm cha mẹ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.