Lần đầu làm mẹ, chớ quên 10 điều sau!
Không trường học nào có thể đảm bảo bạn sẽ sẵn sàng 100% cho hành trình làm mẹ, và trải nghiệm nuôi con nhỏ của mỗi người đều khác nhau. Tuy nhiên, có những đặc điểm chung mà mọi bà mẹ trẻ nên biết để làm dịu đi cảm giác căng thẳng của người lần đầu làm mẹ.
Nội dung bài viết
- 1/ Lần đầu làm mẹ: Cuộc sống không còn là của riêng!
- 2/ Các vấn đề tài chính
- 3/ Tìm người giữ trẻ từ sớm
- 4/ Cơ thể bạn sẽ khác trước
- 5/ Mất ngủ kéo dài
- 6/ Cần cho con bú sau mỗi 2 giờ
- 7/ Quan hệ của vợ chồng bạn có thể thay đổi
- 8/ Ra ngoài với hàng đống thứ
- 9/ Tìm ra vật có thể dỗ dành bé
- 10/ Bạn không đơn độc
1/ Lần đầu làm mẹ: Cuộc sống không còn là của riêng!
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người nói về điều này, nhưng thực tế thì chỉ khi nào có con, bạn mới có thể hiểu hết được điều này. Đừng nói đến cuộc sống riêng, ngay cả 1 phút riêng tư cũng đã là điều quý giá, nhất là trong giai đoạn đầu tiên khi bạn mới đón bé cưng về nhà. Thời gian cho bé bú, thay tã cho bé, tắm bé cùng hàng tá những việc linh tinh khác cũng đã đủ để bạn quay như chong chóng.
2/ Các vấn đề tài chính
Đây chính là một trong những chuyện đau đầu nhất với những ai lần đầu làm mẹ. Nào là tiền tã bỉm, quần áo, tiền tiêm phòng, chưa kể các bệnh lặt vặt, những khoản chi này có thể làm bạn choáng ngợp. Do đó, bạn cần một khoản dự phòng ngay cả khi đã lên kế hoạch tài chính cho việc có con.
Để không bị áp lực bởi các chi phí khi nuôi con nhỏ, vợ chồng bạn cần có kế hoạch tài chính từ trước
3/ Tìm người giữ trẻ từ sớm
Trung bình, bạn có thể phải mất ít nhất vài ba tháng để tìm được nhà trẻ phù hợp. Nếu muốn nhờ ông bà chăm sóc bé, bạn nên trao đổi cẩn thận. Không phải ông bà nào cũng mong muốn được làm “cha mẹ” một lần nữa. Hơn nữa, bạn cũng cần cân nhắc độ tuổi và tình trạng sức khỏe của ông bà xem có nên để ông bà trông con hộ bạn hay không.
4/ Cơ thể bạn sẽ khác trước
Khi mang thai và sau khi sinh, vóc dáng của bạn có thể thay đổi đến mức kinh ngạc, tích cực hay tiêu cực sẽ còn tùy vào thể trạng của bạn trước khi mang thai. Nếu có thân hình cân đối và sức khỏe tốt, bạn có thể hi vọng vào những thay đổi tích cực như tóc bóng mượt, da hồng hào nhiều hơn.
5/ Mất ngủ kéo dài
Bạn chẳng thể làm được gì khác ngoài việc chấp nhận và tìm mọi cách để tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Đừng quá căng thẳng vì sự vất vả, mệt mỏi sẽ qua mau khi bạn thấy con yêu lớn lên từng ngày.
Chăm sóc thai kỳ và bé yêu với ứng dụng 1000 ngày vàng
Ứng dụng điện thoại "1000 ngày vàng" sẽ là một trợ thủ đắc lực cho các ông bố, bà mẹ trong suốt khoảng thời gian từ lúc mang thai cho đến khi con tròn 2 tuổi
6/ Cần cho con bú sau mỗi 2 giờ
Đừng hoảng! Việc này sẽ không kéo dài quá lâu. Ban đầu, bạn có thể thấy mệt mỏi và bực bội với cảm giác con yêu chẳng bao giờ biết no nhưng rồi bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những ích lợi to lớn của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
7/ Quan hệ của vợ chồng bạn có thể thay đổi
Không còn dành nhiều thời gian cho nhau, sự chú ý của cả 2 vợ chồng giờ đây sẽ dồn hết cho con. Bạn sẽ phải tạm rời xa những bữa tối ngẫu hứng rủ nhau đi ăn hoặc đi xem phim. Nếu bạn muốn một không gian riêng tư chỉ hai người, bạn sẽ phải lên kế hoạch trước.
8/ Ra ngoài với hàng đống thứ
Bạn sẽ cần một túi xách hoặc ba lô riêng để đựng đồ của bé mỗi khi đi ra ngoài. Tuy còn bé nhưng con cần rất nhiều thứ lỉnh kỉnh. Bạn không thể nào chủ quan khi ra ngoài với bé vì chẳng thể biết được chuyện gì có thể xảy ra. Lo xa không bao giờ là thừa khi có con nhỏ.
Mỗi lần đưa bé ra ngoài chơi, mẹ phải chuẩn bị rất nhiều đồ dùng lỉnh kỉnh
9/ Tìm ra vật có thể dỗ dành bé
Mỗi đứa bé đều có một “vật cưng” có thể làm bé ngưng khóc. Đó có thể là thú bông, búp bê hoặc núm vú, hoặc cũng có thể là tiếng ồn ào, tiếng hát, thậm chí là tiếng máy hút bụi. Càng sớm tìm ra điều này, bạn càng đỡ được những giây phút nhức đầu vì bé. Tốt nhất, bạn nên thử nhiệm nhiều thứ cho đến khi tìm ra đáp án.
10/ Bạn không đơn độc
Đừng bao giờ, dù chỉ trong một giây, nghĩ mình là “chiến sĩ” duy nhất trên “mặt trận” này. Không ít người lần đầu làm mẹ cảm thấy mất phương hướng, lạc lõng hoặc thậm chí chán nản, đây là những dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh. Tìm một ai đó nói chuyện bất cứ khi nào cảm thấy bị quá tải. Bạn luôn có gia đình, bạn bè và các tổ chức cộng đồng để chia sẻ và giúp đỡ bạn.
Lưu ý dành cho mẹ
Ôm ấp và nựng nịu con yêu chắn hẳn là việc yêu thích của bạn và cả nhà. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho sức khỏe của bé, bạn không nên làm quá thường xuyên nhé! Nước bọt của bạn có thể vô tình gây mẩn đỏ cho làn da mặt mỏng manh của bé. Hơn nữa, thông qua những nụ hôn, bạn cũng có thể truyền bệnh sang con mà không hay biết.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.