Mẹ bầu nên ăn gì, ăn như thế nào trong từng giai đoạn của thai kỳ?
Ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng khi mang thai cũng là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Trí thông minh và chiều cao vượt trội, tất cả đều có thể cải thiện nếu mẹ biết cách ăn đúng khi mang thai. Vậy, mẹ bầu nên ăn gì, ăn như thế nào trong mỗi giai đoạn thai kỳ?
Những gì mẹ ăn trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến em bé trong bụng
1. Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu?
Hầu hết các cơ quan quan trọng của thai nhi đều hình thành trong giai đoạn đầu: Sự hình thành não bộ và tủy sống, nhịp tim đầu tiên của bé, cơ quan sinh dục… Chính vì vậy, những gì mẹ bầu ăn trong giai đoạn này rất quan trọng. Mẹ chọn đúng món có thể bảo vệ con khỏi nguy cơ dị tật, hỗ trợ quá trình phát triển. Ngược lại chọn sai, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mẹ, sự phát triển của thai nhi cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp sảy thai, động thai, dị tật thai nhi cũng vì mẹ bầu ăn uống sai trong giai đoạn đầu.
Những dưỡng chất quan trọng trong tam cá nguyệt thứ 1:
- A-xít folic: Giúp ngăn ngừa tới 70% dị tật ống thần kinh, dẫn đến các vấn đề về não và tủy sống. Hơn nữa, bổ sung a-xít folic đầy đủ trong thai kỳ còn giúp ngăn ngừa cao huyết áp và tiền sản giật. Các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung khoảng 600mcg a-xít folic/ngày.
- Vitamin B12: Không chỉ giảm thiểu tình trạng nôn ói trong giai đoạn đầu, bổ sung vitamin B12 khi mang thai còn giúp phòng ngừa dị tật thai nhi, nhất là các dị tật liên quan đến não. Để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, bà bầu cần khoảng 2,6 mcg vitamin B12/ ngày.
- Chất đạm: Bổ sung đạm đầy đủ sẽ giúp bé cưng hoàn thiện các tế bào não, ngăn ngừa một số triệu chứng thần kinh bất thường. Hơn nữa, đạm cũng giúp duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Vitamin C: Hệ miễn dịch suy giảm nên bà bầu rất dễ trở thành đối tượng tấn công của các vi-rút gây bệnh. Bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nguy cơ cảm cúm hoặc các bệnh thông thường.
Thay vì ăn nhiều, mẹ bầu 3 tháng đầu nên ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng của mình. Giai đoạn này em bé còn nhỏ, chưa phát triển nhiều nên mẹ chỉ cần bổ sung thêm khoảng 250-300 calories/ngày trong thực đơn. Chia 3 bữa chính thành 5-6 bữa nhỏ ngày và không bao giờ để dạ dày rỗng là bí quyết ăn đúng trong giai đoạn này.
Bà bầu ốm nghén nên ăn gì?
Ốm nghén là thử thách lớn nhất mà các mẹ bầu phải trải qua trong những tháng đầu. Mẹ bị "bao vây" bởi biết bao triệu chứng khó chịu, từ mệt lử, buồn ngủ không dứt đến chán ăn, buồn nôn, đau lưng... Liệu bà bầu bị ốm nghén nên ăn gì để tiếp năng lượng cho cơ thể vượt qua những ngày "bão tố" này?
2. Ăn “chuẩn” khi mang thai 3 tháng giữa
Qua giai đoạn thành hình, những bộ phận quan trọng của thai nhi 3 tháng giữa ngày một hoàn thiện hơn. Hệ xương tăng trưởng theo từng ngày. Nếu có siêu âm, bạn sẽ nhận thấy thai nhi ngày càng giống một đứa trẻ sơ sinh.
Thai nhi càng phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu càng tăng. Vẫn theo quy tắc ăn nhiều bữa, nhưng lúc này, mỗi ngày mẹ cần tăng thêm 300-350 calories vào thực đơn của mình. Ngoài a-xít folic, đạm và các loại vitamin C, B12, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa cần tăng cường thêm sắt và can-xi. Vitamin A cũng rất cần cho sự phát triển thị giác, tim, gan, phổi, thận và hệ thần kinh trung ương. Vitamin D cần thiết cho sự phát triển hệ xương, tăng khả năng hấp thu can-xi của cơ thể. Chưa kể, nhiều nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang thai có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ sau sinh.
Khác với giai đoạn đầu thai kỳ, 3 tháng giữa là giai đoạn cân nặng của bà bầu bắt đầu có sự dịch chuyển đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu không nên tăng cân quá nhiều trong giai đoạn này. Để kiểm soát cân nặng, bạn vẫn nên chia nhỏ bữa ăn, tăng cường trái cây, rau xanh trong mỗi bữa. Đồng thời hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe và thực phẩm nhiều đường. Thay vào đó, nên ưu tiên các loại hạt, thức ăn vặt tốt cho sức khỏe như phô mai, sữa chua, ngũ cốc, đậu…
Những món ăn vặt hợp lý cho bà bầu theo từng giai đoạn
Trong suốt thai kỳ, các mẹ bầu thường có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Đặc biệt, các loại đồ ăn vặt cho bà bầu như bánh cho bà bầu, các món ăn phụ cho bà bầu... rất cần được chị em lưu tâm trong thời gian này.
3. Dinh dưỡng trong giai đoạn “tăng tốc”
Theo các chuyên gia, 3 tháng cuối là giai đoạn thai nhi phát triển “thần tốc” nhất, cả về cân nặng, chiều cao hay bộ não. Việc bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn này cũng là tiền đề quan trọng, chuẩn bị sức khỏe cho bà bầu để vượt cạn an toàn và nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh.
Nhu cầu năng lượng mỗi ngày cần thêm khoảng 400-450 calories để có thể tăng thêm 5-6kg trong thời gian này. Tất nhiên, chế độ dinh dưỡng vẫn cần đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng. Song song với sắt, can-xi, protein, bà bầu 3 tháng cuối cũng cần tăng cường nhóm a-xít béo omega-3, choline và dưỡng chất có lợi cho sự phát triển não của thai nhi.
Thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng cuối:
- Thịt bò: “Nổi tiếng” với nguồn sắt dồi dào, bà bầu ăn thịt bò giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu. Hơn nữa, thịt bò cũng chứa kẽm và protein, tốt cho sức khỏe bà bầu.
- Cá hồi: Không chỉ giàu omega 3, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não, cá hồi có hàm lượng thủy ngân thấp, an toàn hơn cho mẹ và bé.
- Cam, chanh, quýt và những loại trái cây giàu vitamin C sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, phát triển hệ xương, răng, cũng như nuôi dưỡng tế bào DNA.
- Ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen giúp bổ sung tinh bột, chất xơ cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
Mẹ bầu nên ăn gì? Câu trả lời đã được giải đáp rất rõ trong bài viết trên đây hy vọng có thể giúp bạn vượt qua một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhất.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.