Nên hay không nên xoa bụng bà bầu?
Với nhiều phụ nữ mang thai, hành động xoa bụng là một cách giao tiếp với con, để bé được tiếp xúc và cảm nhận tình thương của mẹ. Thậm chí một số chị em còn bị “nghiện” việc âu yếm, vuốt ve bụng bầu.
Bên cạnh đó, một số chị em khác sợ rạn da nên rất tích cực dùng kem chống rạn, một ngày có thể thoa kem vài ba lần và mỗi lần đều thoa khá mạnh tay với mong muốn kem thấm sâu vào da sẽ phát huy tác dụng tốt hơn.
Dù cho xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa, những chị em đang có thói quen này cần phải xem lại những nguy cơ đến từ việc thường xuyên xoa bụng bầu.
Chị em dùng kem chống rạn cần chú ý chỉ được xoa bụng nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay
Xoa bụng bà bầu nhiều sẽ gây động thai, sảy thai
Trong suốt thời gian mang thai, việc xoa bóp vùng da bụng nếu diễn ra nhiều lần có thể kích thích tử cung, gây ra các cơn co, dẫn đến động thai, sảy thai. Đặc biệt từ tháng thứ 7 trở đi, hành động xoa bóp, massage bụng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non. Đối với những chị em có thai bám mặt trước hoặc có dấu hiệu dọa sảy thai, sinh non càng cần tránh tác động mạnh từ bên ngoài. Như vậy, xoa bụng thường xuyên được xem là một thói quen dễ gây sảy thai.
Lợi ích của việc massage dưỡng thai đúng cách
Nói như vậy không có nghĩa việc xoa bụng bà bầu chỉ toàn mặt hại. Nếu được thực hiện đúng cách, massage bụng không chỉ là cách hay để giao tiếp với thai nhi mà còn kích thích trí não bé phát triển, cho bé cảm nhận nhiều hơn về thế giới bên ngoài. Đây cũng là cơ hội để mẹ cảm nhận những chuyển động của em bé trong bụng như xoay mình, đưa chân, vung tay,…
Xoa bụng bà bầu sao cho tốt?
Dưới đây là một số lưu ý cho mẹ để xoa bụng an toàn và đúng cách. Điều quan trọng là bạn cần luôn lắng nghe cơ thể để nhận biết những dấu hiệu bất thường nếu có vì mỗi người phụ nữ có cơ địa và thói quen sinh hoạt khác nhau.
- Xoa bụng nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay, không dùng cả bàn tay để xoa bụng, không áp chặt tay vào bụng.
- Không xoa bụng lâu quá 5 phút hoặc xoa đi xoa lại nhiều lần trong ngày.
- Không nên xoa bụng trong 2 tháng cuối thai kỳ vì dễ dẫn đến sinh non.
- Nếu sử dụng tinh dầu massage hoặc kem chống rạn, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như hoa cúc, oải hương, chanh, trà,… để hạn chế nguy cơ kích ứng da.
Trong khi xoa bụng cần lắng nghe chuyển động của con, nếu thấy thai đạp ít hẳn hoặc thậm chí không đạp, cần đến ngay bác sĩ để kiểm tra. Với thai nhỏ vẫn chưa máy, đạp, mẹ bầu cần chú ý đến các dấu hiệu dọa sảy thai như chảy máu âm đạo, đau bụng dưới âm ỉ, kéo dài.
Với những chị em có những bất thường khi mang thai cần tránh việc xoa bụng, mẹ có thể giao tiếp với thai nhi bằng những cách khá như cho bé nghe nhạc và trò chuyện cùng bé. Còn với những chị em lo lắng cho làn da cùng những vết rạn của mình, bạn nên hiểu rằng kem chống rạn chỉ có thể giúp làm săn chắc da, tạo cảm giác vết rạn mờ đi nhưng thực tế không phải. Do đó, đừng dại dột mạo hiểm sức khỏe của con yêu.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.