Ngứa âm đạo khi mang thai có cần dùng thuốc?

Share this Post:
Sức khỏe - Dinh dưỡng

Đây là căn bệnh khá nhạy cảm, đôi khi nhiều mẹ cảm thấy ngần ngại chần chừ khi đến các cơ sở y tế hoặc tự tìm cách điều trị không đúng làm bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa âm đạo, vì vậy mẹ cần hiểu rõ tình trạng của mình để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Ngứa âm đạo khi mang thai có cần dùng thuốc?

Ngứa âm đạo nếu không điều trị sẽ tái đi tái lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả mẹ và bé

1/ Nguyên nhân gây ngứa âm đạo khi mang thai

– Nội tiết tố tăng cao trong thời gian bầu bì làm lượng khí hứ ra nhiều, độ pH trong âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và nấm phát triển, trong đó có thể kể đến hai tác nhân chính gây ngứa và viêm nhiễm âm đạo là nấm candida, vi khuẩn chlamydia. Những thay đổi này dẫn đến việc mẹ bị viêm âm đạo, gây nên tình trạng ngứa, rát, khí hư ra nhiều và có mùi khó chịu.

– Vào những tháng cuối sự rạn da diễn ra một cách mạnh mẽ, sự căng giãn quá mức cũng dẫn đến việc người mẹ bị ngứa âm đạo và các vùng lân cận như bẹn, mu…

– Da của phụ nữ mang thai thường khá nhạy cảm do sự tăng sinh mạch máu ngoài da gây nên. Vì vậy rất dễ bị kích ứng, ngứa ngáy vùng kín khi thời tiết trở nên nóng bức, sự cọ xát với quần áo, bệnh ngoài da…

– Từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ bầu dễ mắc bệnh viêm nang lông trong thai kỳ gây ngứa ở vùng âm đạo.

2/ Ngứa âm đạo khi nào cần dùng thuốc?

Đa số phụ nữ khi mang thai đều bị ngứa âm đạo không ít thì nhiều. Có trường hợp chỉ bị ngứa nhẹ mà không kèm theo bất cứ triệu chứng nào và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nhưng nếu mẹ bầu bị ngứa, xuất hiện những dấu hiệu sau đây thì không nên chủ quan mà cần gặp bác sĩ sớm để điều trị kịp thời.

– Cảm giác ngứa ngáy càng ngày càng tăng và không thuyên giảm

– Ra nhiều khí hư, có màu trắng đục hoặc ngà vàng kèm mùi hôi khó chịu

– Vùng kín có cảm giác bị bỏng rát, sưng đỏ

– Bị đau rát, buốt khi đi tiểu, tiểu tiện nhiều lần trong ngày

Tình trạng ngứa âm đạo khi mang thai không chỉ làm mẹ bầu khó chịu mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực sau:

  • Đối với mẹ: Ngứa ngáy vùng kín lâu ngày có thể dẫn đến viêm nhiễm và lây lan sang những cơ quan khác, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như sẩy thai, sinh non, viêm màng ối, nhiễm khuẩn, vỡ ối…
  • Đối với bé: Nếu mẹ bị ngứa do viêm nấm âm đạo có thể lây nhiễm cho bé thông qua ngõ âm đạo trong lúc sinh. Nấm dính vào miệng gây nấm niêm mạc miệng và lưỡi. Những bé suy dinh dưỡng, thiếu tháng do sinh non, sức đề kháng giảm đặc biệt rất dễ nhiễm nấm hay các bệnh đường hô hấp.

Mẹ bầu nên đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, chỉ có xác định rõ nguyên nhân mới có thể chữa trị dứt điểm. Nếu người mẹ bị ngứa âm đạo do viêm nhiễm phải được điều trị bằng thuốc, chủ yếu là thuốc đặt âm đạo, các loại kem bôi ngoài da.

3/ Cách khắc phục và phòng tránh

Việc phòng tránh bệnh bao giờ cũng tốt hơn là điều trị, vì vậy bầu nên chú ý làm theo những bước sau để có một thai kỳ khỏe mạnh và tránh nguy cơ bị nhiễm trùng, ngứa âm đạo.

– Giữ cho vùng kín luôn luôn được sạch sẽ và khô thoáng, rửa bằng nước muối sinh lý hay nước ấm hàng ngày.

– Không mặc quần lót quá chật, sử dụng loại có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.

– Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh vì có thể làm thay đổi môi trường kháng khuẩn tự nhiên bên trong âm đạo.

-Không dùng dung dịch vệ sinh quá nhiều lần trong ngày sẽ làm mất độ cân bằng pH tự nhiên của âm đạo, dễ tạo điều kiện cho các loại nấm bùng phát hay vi khuẩn xâm nhập.

– Uống nhiều nước và ăn nhiều sữa chua là cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh ngứa âm đạo rất hiệu quả.

– Khi bị ngứa tuyệt đối không nên gãi, hành động này chỉ khiến những cơn ngứa trở nên tồi tệ hơn, dễ dẫn đến viêm nhiễm hơn.

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by Julia Phạm
Julia Phạm Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.
[comment][/comment]

Related Posts: