Những xét nghiệm quan trọng trong thai kỳ
Bác sĩ sẽ căn cứ vào ngày đầu của chu kỳ kinh để xác định tuổi của thai nhi. Tuy nhiên với một số phụ nữ kinh nguyệt không đều thì thường tuổi thai sẽ được dựa vào kết quả của siêu âm.
Sau đây là những mốc khám thai, những xét nghiệm quan trọng mà bạn cần thực hiện trong các thời điểm khác nhau trong suốt quá trình thai kỳ.
Lần khám thai đầu tiên: sau khi trễ kinh và thử que lên hai vạch, bạn nên đi khám thai để kiểm tra thai nhi được bao nhiêu tuần tuổi.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào ngày đầu của chu kỳ kinh để xác định tuổi của thai nhi. Tuy nhiên với một số phụ nữ kinh nguyệt không đều thì thường tuổi thai sẽ được dựa vào kết quả của siêu âm. Đặc biệt là khi siêu âm ở thời điểm 11 – 12 tuần thì việc tính tuổi thai sẽ cực chính xác dựa vào các chỉ số của thai nhi. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ dự đoán ngày sinh giúp bạn.
Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm 2D để kiểm tra thai xem thai nhi nằm trong hay ngoài tử cung. Trong trường hợp bạn thử que đã lên hai vạch, bác sĩ siêu âm đã thấy túi thai trong tử cung nhưng chưa thấy tim thai thì bạn cũng không phải quá lo lắng vì thai còn quá bé, thường bác sĩ sẽ hẹn ngày để bạn khám lại vì từ 7- 8 tuần tim thai sẽ có rõ.
Siêu âm đo độ mờ da gáy: được thực hiện từ tuần thứ 11 – 12. Đây là lần khám thai rất quan trọng mà bạn không nên bỏ lỡ vì trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ cho bạn siêu âm để đo độ mờ da gáy để xác định nguy cơ mắc bệnh Down và các bất thường khác.
Lưu ý rằng nếu bạn bỏ lỡ thời gian khám thai này thì khi bước sang tuần 13, các chỉ số này sẽ không chính xác, không có giá trị chẩn đoán nữa. Dựa vào kết quả siêu âm bác sĩ sẽ có những tư vấn tiếp theo. Và trong lần khám thai này, bác sĩ có thể cho bạn uống viên sắt hoặc các loại vitamin tổng hợp…, bạn có thể uống sữa cho bà bầu để bổ sung chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thai phụ bị nghén không ăn uống được nhiều.
Siêu âm rất quan trọng trong suốt thai kỳ giúp bác sĩ kiểm tra sự phát triển của thai nhi
Xét nghiệm Triple Test: tuần thai thứ 16 – 17. Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm Triple Test, kết quả sẽ chính xác nhất khi được thực hiện trong khoảng thời gian này. Triple là bộ 3 xét nghiệm tầm soát sử dụng máu của mẹ để tìm ra các nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi gồm chất là AFP (loại protein do thai sản xuất), hCG (loại nội tiết do nhau thai sản xuất) và Estriol (là loại nội tiết estrogen được nhau thai và thai nhi sản xuất). Xét nghiệm này không phải là chẩn đoán tình trạng thai mà chỉ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể và có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa không.
Siêm âm 4D: được thực hiện trong tuần thai thứ 22 – 24. Trong lần siêu âm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bất thường về hình thái của nhai nhi như sứt môi, dị dạng ở cơ quan, đặc biệt là các bất thường về tim và hệ xương để từ đó có can thiệp kịp thời. Ngoài ra giới tính của thai nhi cũng được nhận biết trong tuần thai này.
Xét nghiệm máu: bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm máu như Xét nhiệm nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu khi sinh nở, phát hiện Rubella, yếu tố Rh (Rh- hay Rh+), hàm lượng sắt (có thiếu máu do thiếu sắt hay không) từ đó bác sĩ sẽ cho bạn bổ sung viên sắt, huyết đồ (kiểm tra thiếu máu, bệnh thalassaemia…). Tất cả những xét nghiệm trên không phải là bắt buộc thực hiện đối với tất cả thai phụ, bác sĩ sẽ tuỳ thuộc tình hình sức khoẻ của thai phụ để có những chỉ định làm các xét nghiệm này. Ngoài ra thường ở tuần thứ 36 trước khi sinh, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm máu thêm một lần nữa để kiểm tra khả năng đông máu trước khi sinh.
Xét nghiệm nước tiểu: xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra sức khoẻ thai phụ đồng thời phát hiện thai phụ có mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu, tiểu đường khi mang thai hay không để phát hiện sớm, điều trị kịp thời thông qua xét nghiệm đo lượng protein trong nước tiểu, Albumin và Nitrite…
Tiêm vaccine uốn ván: tuần thứ 30 – 32, bạn sẽ được tiêm lần lượt hai mũi vaccine theo thời gian chỉ định của bác sĩ.
Siêu âm trước khi sinh: tuần 35 – 36, thời gian gần sinh thai phụ sẽ được bác sĩ tiến hành siêu âm theo dõi doppler động mạch não, động mạch tử cung cũng như kiểm tra lượng nước ối, dây rốn… Trong thời gian này, bác sĩ cũng có thể cho bạn làm xét nghiệm Non-stress (xét nghiệm để theo dõi nhịp tim thai đơn thuần mà không cần tạo nên cơn co tử cung) để kiểm tra lượng oxy thai nhi nhận được, kiểm tra sức khoẻ của bé… cũng như tuỳ vào tình hình sức khoẻ thai phụ, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác để sẵn sàng cho ngày lâm bồn.
Tuy nhiên một lưu ý là về các xét nghiệm máu cũng như nước tiểu thì thời gian thực hiện sẽ tuỳ thuộc vào bác sĩ theo dõi thai kỳ của bạn.
Chư Kha
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.