Rối loạn kinh nguyệt khiến bạn chậm có con
Thế nào là rối loạn kinh nguyệt?
Sau 2-3 năm hành kinh, buồng trứng đã hoàn thiện các chức năng và đi vào hoạt động trơn tru, khi đó việc hành kinh sẽ trở nên đều đặn theo một trình tự thời gian nhất định, gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Để xác định chu kỳ của mình, bạn chỉ cần tính từ ngày đầu của lần hành kinh trước cho tới ngày đầu của lần hành kinh tiếp theo. Phần lớn chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 28 – 30 ngày và có thể nhanh hơn hoặc chậm đi một vài ngày sau mỗi tháng. Mỗi lần hành kinh thường kéo dài 3-5 ngày.
Như vậy, nếu kinh nguyệt của bạn không theo chu kỳ nhất định, các lần hành kinh kéo dài quá 10 ngày với máu kinh có màu đen sẫm hoặc đỏ nhạt và ra khi nhiều khi ít, bạn có thể đã gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Kinh nguyệt thất thường là dấu hiệu cần lưu ý ở phụ nữ tuổi sinh đẻ vì nó cho thấy có khả năng hoạt động của các cơ quan sinh sản đang gặp trục trặc ở một khâu nào đó.
Rối loạn kinh nguyệt sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bạn
Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt tới khả năng thụ thai
Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của chị em. Trước hết, đây là dấu hiệu của nhiều bệnh cản trở quá trình thụ thai như tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung, đa nang buồng trứng hoặc rối loạn hormone sinh dục,… Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ khiến bạn rất khó khăn trong việc tính ngày rụng trứng để quan hệ tình dục.
Các cách giúp chị em phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt
- Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, chất đạm và vitamin E, C và A để cân bằng các hoạt động nội tiết sinh dục..
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, thực phẩm chua, cay vì chúng có thể tác động nhất thời tới chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
- Giữ tinh thần thoải mái bằng việc suy nghĩ tích cực và tập thể dục có tính thư giãn như yoga, thiền vì căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây ức chế và trì hoãn quá trình rụng trứng.
- Vệ sinh phụ khoa đúng cách để ngăn ngừa viêm nhiễm, sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục nhằm tránh mắc phải các bệnh tình dục có thể dẫn tới hiếm muộn, vô sinh sau này.
- Cuối cùng, bạn cần khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh đường sinh dục. Các bệnh phụ khoa hoặc bệnh về sinh sản ở nữ giới thường chỉ bộc lộ các triệu chứng cảnh báo khi đã phát triển tới mức nghiêm trọng, do đó, việc phòng bệnh và thường xuyên thăm khám là thật sự cần thiết để chị em có thể tự bảo vệ mình.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.