Sự nguy hại từ trào lưu vắt sữa non

shape

01 Th12

Khanh ElisaTh12 01, 2019

Sự nguy hại từ trào lưu vắt sữa non

Trào lưu vắt sữa non

Thử trao đổi với một số mẹ bầu trên diễn đàn về cho con bú sữa mẹ, hầu hết họ đều biết đến việc vắt sữa non ở tuần thứ 32-34 của thai kì bằng xi lanh hoặc túi tiệt trùng chứa sữa chuyên dụng và trữ đông trong tủ đá để bảo quản. Các mẹ cũng chia sẻ rằng một vài thành viên của hội này đã liên tục viết những bài viết bày tỏ nỗi lo lắng khi các em bé sinh ra ở các bệnh viện Việt Nam không được bú sữa mẹ lúc mới chào đời mà phải “tráng ruột” bằng sữa công thức và sẽ có khả năng bị hở ruột, ung thư, nôn trớ hay đi tiêu ra máu (!?). Đồng thời, các diễn đàn này đã đăng tải hướng dẫn chi tiết cách vắt sữa non cho bé.

Sự nguy hại từ trào lưu vắt sữa non

Việc vắt sữa non thường được tiến hành bằng xi lanh

Theo hiệp hội nuôi con bằng sữa mẹ Australia, vắt sữa non là cách lấy sữa non (sữa đầu tiên) từ vú người mẹ trước khi mẹ sinh bé. Vào những năm gần đây, việc vắt sữa non ngày càng trở nên phổ biến hơn. Phương pháp này thường được hướng dẫn cho một số mẹ có đái tháo đường type I, type II hoặc tiểu đường thai kỳ.

Các bé sơ sinh của những người mẹ trên có thể có nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp hơn bình thường) và việc tăng lượng sữa non hơn mức thông thường có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, nhiều mẹ đã lo sợ không có sữa mẹ cho con, không dành được cho bé những gì tốt nhất, sợ con phải “tráng ruột” ngay lần đầu tiên bằng sữa công thức sẽ gây nguy hiểm tính mạng nên đã tự tham khảo thông tin tràn lan trên mạng và hì hụi kích thích ngực, vắt sữa non trữ đông. Dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các ống tiêm chứa đầy sữa non được các mẹ bầu vắt ra và đăng lên group để khoe thành tích.

Sự nguy hại từ trào lưu vắt sữa non

Hình ảnh trên một diễn đàn

Nguy cơ sinh non cao

Không ai phủ nhận tác dụng của sữa mẹ, đặc biệt là sữa non đối với sức khỏe trẻ sơ sinh. Cũng cần nói việc vắt sữa non trước khi sinh thực tế đã xuất hiện trong vài tài liệu của một số tổ chức nước ngoài, cụ thể là một vài phương thức từ các bệnh viện Úc và Mĩ.

Tuy nhiên, việc kích thích bầu ngực không đúng phương pháp có thể gây co bóp tử cung và dẫn đến sinh non. Chính vì vậy, việc làm này được tiến hành bởi các bác sĩ có chuyên môn và các mẹ không được tự ý làm tại nhà.

Ngoài tiểu đường, những trường hợp cần phải vắt sữa non khác bao gồm: bé bị dị tật hở hàm ếch, bé có bệnh tim hoặc thần kinh, gia đình có tiền sử dị ứng với protein trong các loại sữa công thức, mẹ có nguy cơ bị thiếu sữa… Như vậy, những bà mẹ khỏe mạnh và sinh con bình thường không có lý do gì để vắt sữa non dự trữ.

Trao đổi với MarryBaby, bác sĩ Mỹ Trang (Phó khoa Nhi – BV Nhân dân Gia Định TP.HCM) cho biết thêm: “Ở nước ngoài người ta khuyên vắt sữa non ở những bà mẹ bị tiểu đường do thai kỳ vì sau sanh bé dễ bị hạ đường huyết lúc đó có sữa mẹ cho bé bú ngay là tốt (khi mẹ chưa cho bé bú được). Nhưng các mẹ được khuyên vắt sữa ở tuần 36 chứ không sớm như một số diễn đàn hướng dẫn. Chưa kể vấn đề sữa vắt ra có bảo đảm vệ sinh hay không và bảo quản chưa chắc đã vô trùng. Khi kích thích đầu vú để tiết sữa sẽ làm tăng hooc-môn oxytocin sẽ rất dễ sinh non. Việc nặn bóp kích thích sữa non không đúng cách ở một số bà mẹ cũng gây ảnh hưởng đến tuyến vú. Tốt nhất các bà mẹ nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tùy tiện tìm hiểu thông tin.

Bên cạnh những nguồn thông tin phong phú giúp ích cho mẹ trong quá trình mang thai và nuôi con, mạng internet cũng bị nhiều đối tượng sử dụng để tạo ra sức ảnh hưởng cho bản thân mình. Chính vì vậy, các mẹ bầu nên sáng suốt khi tìm hiểu các thông tin từ mạng internet. Với những phương pháp mới, chưa được phổ biến, mẹ cần trao đổi với bác sĩ để nhận được những lời khuyên có giá trị chuyên môn cao thay vì vội vã áp dụng, có thể gây hậu quả không tốt.

Diệp Đan

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Khanh Elisa

  • Khanh Elisa Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc