Tháng thứ 22: Tuần 4
Chứng biếng ăn ở trẻ
Có khá nhiều bé ở tuổi này ăn uống rất ngoan và chịu ngồi yên trong phòng ăn, nhưng cũng có nhiều trẻ rất kén ăn. Nếu con bạn nằm trong số “kén ăn” này, bé có thể chỉ thích ăn vặt, chỉ ăn một vài loại thức ăn như thức ăn có màu trắng và vàng như bánh mì, mì ống, nui, hay khó chịu với một số thức ăn cụ thể. Như đa phần trẻ khác ở lứa tuổi này, bé thường không thích ăn rau xanh, đặc biệt là những rau màu xanh đậm có vị nồng hoặc có mùi đặc trưng.
Sang tuổi tập đi, nhu cầu dinh dưỡng của bé thay đổi và nhiều mẹ nhận thấy rằng con trở nên biếng ăn
Mẹ nên làm gì khi con biếng ăn?
– Cho con ăn khi bé đói: Nếu mẹ ép bé ăn quá nhiều và không quan tâm tới cảm giác no của trẻ sẽ rất tai hại. Bé sẽ không có cảm giác đói và thèm ăn, thậm chí sợ ăn.
– Đa dạng các món ăn: Việc thay đổi khẩu vị thường xuyên sẽ giúp bé tò mò, hào hứng hơn khi đến bữa cơm. Thêm vào đó, một thực đơn phong phú cũng giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé.
– Để bé tự ăn cùng gia đình trong bữa cơm: Mẹ có thể cho con ăn chung trong bữa ăn gia đình, bé sẽ hào hứng và tập trung với bữa ăn hơn.
Bên cạnh đó, hương vị của món ăn không phải là điều duy nhất gây ra tình trạng biếng ăn ở bé. Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các em bé được tự mình ăn theo cách mà chúng muốn, mặc dù có thể sẽ vương vãi hay dính đồ ăn trên áo quần…, nhưng hứng thú ăn của các bé cao hơn rất nhiều so với trẻ được mẹ yêu cầu ăn theo đúng khuôn phép.
– Thời gian ăn cố định: Trẻ quen với nhịp sinh hoạt điều độ sẽ ăn ngủ đúng giờ, phát triển hoàn thiện, tránh việc ăn uống thất thường lúc nhiều lúc ít.
Cuối cùng, mẹ đừng căng thẳng và quá nghiêm trọng về thói quen ăn uống của trẻ vì đây cũng là tình trạng phổ biến với hầu hết các bé 21 tháng tuổi, tình trạng này sẽ thay đổi khi bé lớn thêm.
Tập tạo thói quen sinh hoạt cho trẻ
Các bà mẹ nên tạo cho trẻ thói quen về thời gian và duy trì thói quen đó như nghỉ trưa đúng giờ, ăn đúng giờ và đi ngủ đúng giờ. Một thời khóa biểu đều đặn mỗi ngày sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ kiểm soát hơn. Mặc dù một đứa bé 21 – 22 tháng tuổi chưa có khái niệm về thời gian nhưng trẻ nhận biết được rằng chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Giờ đi ngủ và thức dậy vào cuối tuần cũng nên được mẹ duy trì như mọi ngày để giữ đúng thói quen. Tuy vậy, mẹ cũng không cần phải quá cứng rắn, nếu chỉ một chút xê xích trong lịch sinh hoạt của vài hoạt động trong ngày cũng không phải vấn đề quá lớn. Mẹ chỉ cần lưu ý đừng để chúng lặp lại quá thường xuyên.
Hình thành thói quen cho trẻ sẽ khiến cho cuộc sống của bạn dễ dàng và đơn giản hơn. Nếu bé con của bạn biết trước những gì sẽ xảy ra mỗi ngày, bạn sẽ không gặp phải quá nhiều rắc rối với trẻ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.