Tìm hiểu hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi
Dây rốn quấn cổ có nguy hiểm không?
Dây rốn chính là bộ phận truyền oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi để nuôi dưỡng bé, đồng thời nhận những chất đào thải của thai nhi ra ngoài nhau thai, nếu dây rốn hoạt động tốt thì thai nhi sẽ nhận được đủ dưỡng chất để phát triển trong suốt thai kỳ.
Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trong trường hợp dây rốn quá ngắn hoặc thai nhi bị quấn quá nhiều vòng thì dây rốn có thể bị căng quá mức hoặc bị co thắt lại, làm giảm sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, khiến thai nhi không nhận đủ dưỡng chất cần thiết. Trong những trường hợp này, bé sinh ra có thể bị nhẹ cân, thiếu máu. Nếu dây rốn quấn chặt có thể làm nghẽn mạch máu truyền vào nuôi thai nhi, khiến thai nhi bị suy thai dẫn đến tử vong trong bụng mẹ.
Nhiều trường hợp dây rốn quấn cổ chỉ 1-2 vòng và không chặt nên em bé vẫn phát triển khỏe mạnh và mẹ hoàn toàn có thể sinh thường. Với những trường hợp dây rốn dài hơn thai nhi hoặc thai nhỏ, nước ối nhiều thì nguy cơ bị dây rốn quấn cổ của thai nhi sẽ cao hơn.
Gần 30% thai nhi vướng dây rốn ở cổ do các chuyển động của bé, phần lớn có thể tự tháo khi bé thay đổi tư thế
Đối với một số trường hợp mà số vòng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi nhiều, thai to, sức khỏe mẹ yếu thì thai nhi khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài hơn. Trong những trường hợp này, nếu cố gắng kéo thai nhi ra ngoài sẽ làm cho dây rốn siết chặt cổ thai nhi hơn, dễ làm ngưng quá trình trao đổi chất từ mẹ sang thai nhi. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Mẹ bầu nên lưu ý những gì?
Khi phát hiện thai nhi có dây rốn quấn quanh cổ thì các mẹ bầu nên theo dõi kỹ hơn sức khỏe của thai nhi để phát hiện kịp thời những bất thường. Chẳng hạn, trong một số trường hợp bị dây rốn quấn cổ quá chặt khiến bé không nhận đủ oxy, bé sẽ có phản ứng đạp mạnh và dữ dội vào bụng mẹ để thể hiện sự khó chịu của cơ thể.
Do đó các mẹ bầu nên để ý cử động thai hàng ngày, nếu thấy thai nhi cử động ít hơn, yếu hơn bình thường hoặc nhiều hơn, mạnh hơn bình thường thì nên đi khám ngay để kịp thời phát hiện những bất thường cũng như những nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
Đối với các trường hợp dây rốn quấn cổ, bác sĩ sẽ đo lưu lượng máu từ mẹ qua thai nhi để biết bé có được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển hay không. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ để bảo vệ an toàn cho bé.
Lưu ý quan trọng nhất trong những tháng cuối của thai kỳ, đó là mẹ cần đi khám thai thường xuyên để kịp thời nắm bắt bất kỳ diễn biến bất lợi nào cho bé và cho việc sinh nở.
Ngọc Anh
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.