1 giờ da tiếp da, 7 lợi ích không thể chối từ
Thông thường người ta sẽ tách mẹ và bé ra để tiến hành tắm rửa, kiểm tra cân nặng, chiều cao của bé. Vì vậy, hầu hết các bé sơ sinh đều mất đi một khoảng thời gian được mẹ ôm ấp ẵm bồng, khoảng thời gian mà nếu diễn ra quá ngắn sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cả mẹ và con sau này. Những thủ tục kiểm tra bé ở trên thực sự không cần thiết cho việc duy trì và nâng cao sức khỏe của mẹ hay của bé. Thế nên, chẳng có lý do gì mà người ta lại trì hoãn khoảng thời gian một tiếng mẹ con gắn bó ấy.
Một giờ đầu đời của bé chỉ nên được dành để gắn kết, là lần đầu tiên cho bé bú và cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng. Phương pháp da tiếp da được tiến hành ngay lúc này sẽ mang lại những lợi ích đáng ngạc nhiên cho mẹ và bé.
Thay vì tách bé ra khỏi mẹ, việc để mẹ ấp ủ bé ngay khi vừa ra đời sẽ mang đến lợi ích tuyệt vời
Một giờ yên tĩnh sau sinh
Em bé ra đời và ngay lập tức được đặt vào lòng mẹ. Dùng một chiếc chăn để choàng lên để giữ ấm cho cả hai. Lúc này thì sự sản xuất hormone adrenaline trong cơ thể người mẹ sẽ giảm xuống nhưng sẽ không cản trở quá trình tạo ra hormone oxytocin và prolactin cần thiết để tạo cảm giác gắn bó, hạnh phúc và cũng rất cần để cơ thể mẹ sản xuất sữa.
Vào lúc này, nhu cầu của người mẹ rất đơn giản: một không gian yên tĩnh, ấm áp và an lành. Điều quan trọng cần phải nhớ là mẹ vẫn còn trong quá trình sinh nở – nhau thai và màng nhầy vẫn chưa được đẩy ra khỏi cơ thể, và tử cung vẫn đang co hồi để thu nhỏ lại. Sau đây là 7 lý do quan trọng tại sao giờ đầu tiên sau khi sinh của người mẹ lại cần sự yên tĩnh:
1/ Bé được bú sớm, mẹ giảm nguy cơ biến chứng
Với phương pháp da tiếp da, bé bắt đầu bú sữa mẹ ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh. Cho con bú sớm không những quan trọng cho việc gắn kết tình mẹ con, nó còn giúp nhau thai được đẩy ra nhanh chóng và dễ dàng hơn, giảm thiểu nguy cơ gây băng huyết.
2/ Bé thích nghi nhanh chóng
Những em bé được tiếp xúc trực tiếp với cơ thể mẹ trong giờ đầu tiên sau khi chào đời thường có thể điều chỉnh thân nhiệt và hơi thở của mình tốt hơn. Trẻ sơ sinh thường không có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể chúng như trẻ em hay người lớn vì chúng không có cùng hàm lượng chất béo. Các bé đã trải qua chín tháng trong một môi trường mà nhiệt độ luôn được kiểm soát ở mức hoàn hảo. Nếu bé mất quá nhiều nhiệt, cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng và oxy tích trữ hơn để giữ cho thân nhiệt của mình được cân bằng.
Một tiếng đồng hồ yên tĩnh trong lòng mẹ sẽ giảm nguy cơ hạ đường huyết (tức là lượng đường trong máu sẽ xuống mức thấp). Trẻ sơ sinh có thể sản xuất glucose từ những nguồn năng lượng trong cơ thể cho đến khi chúng được mẹ cho bú đầy đủ và vẫn tiếp tục sản xuất thêm nếu chúng được nằm trong lòng mẹ.
3/ Trì hoãn thời gian cắt rốn
Việc giữ cho cuống rốn nguyên vẹn trong khi nó vẫn đang gắn trong cơ thể người mẹ cho phép em bé vẫn nhận được nguồn oxy thông qua nhau thai, trong khi vẫn đang điều chỉnh hơi thở qua phổi của chúng. Tiếp xúc trực tiếp với mẹ giúp bé cân bằng hô hấp, đồng nghĩa với việc cuống rốn của bé sẽ được giữ nguyên trong thời gian lâu hơn và cho bé thêm cơ hội để nhận được nhiều hơn những tế bào máu đỏ quan trọng và giảm thiểu nguy cơ thiếu sắt trong máu.
Thậm chí nếu bạn sinh mổ,việc trì hoãn cắt rốn cho bé vẫn có thể thực hiện được, nhưng không phải trong mọi trường hợp. Nó phụ thuộc vào việc vợ chồng bạn chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào và tình trạng sức khỏe đặc biệt của người mẹ ra sao.
4/ Tạo sự gắn bó
Kéo dài thời gian mẹ gần gũi với bé sau khi sinh tạo điều kiện cho mẹ con bắt đầu hiểu nhau hơn. Những người mẹ được trực tiếp ẵm bồng con sau khi sinh thường cảm thấy tự tin và thoải mái khi đáp ứng những nhu cầu của bé hơn là những người mẹ không được trực tiếp ẵm bồng con.
Sự kết nối với mẹ là điều sống còn đối với trẻ sơ sinh và những người mẹ luôn có một bản năng mạnh mẽ là phải chăm sóc cho con mình. Cơ quan thụ cảm với hormone oxytocin trong não bộ phụ nữ thường tăng lên trong suốt quá trình mang thai, vậy nên khi em bé chào đời, người mẹ sẽ phản ứng nhiều hơn loại hormone thúc đẩy bản năng làm mẹ này. Oxytocin được sản xuất với số lượng lớn khi mẹ cho bé bú và khi mẹ ôm chặt bé vào lòng.
Những người mẹ mà có thể trực tiếp tiếp xúc với con mình càng sớm thì họ càng dễ bộc lộ tình cảm với con thông qua những cách cư xử hàng ngày trong cuộc sống của bé, như ôm hôn, nói những câu động viên khuyến khích bé,… Điều này đặc biệt quan trọng với con mình đang trở nên đặc biệt quan trọng đối với những bà mẹ phải sinh mổ.
5/ Tăng khả năng cho con bú mẹ
Những em bé sớm được tiếp xúc với cơ thể mẹ bắt đầu bú dễ dàng hơn và thời gian bú sữa mẹ cũng lâu hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những đất nước mà tỉ lệ cho con bú giảm dần vài tháng sau khi sinh như Australia, Mỹ hay Anh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu sẽ giúp bé đạt được tốc độ tăng trưởng tối ưu và sức khỏe toàn diện. Tạo ra điều kiện thích hợp cho lần đầu tiên bú mẹ của bé sẽ giúp kéo dài thời gian cho con bú đối với nhiều phụ nữ.
Những bé tự gắn kết với người mẹ qua da tiếp da thường có cơ hội để tìm thấy một vị trí thích hợp hơn khi đưa miệng vào bầu ngực mẹ. Nó có thể tăng thời gian trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ khi mà người mẹ cảm thấy việc cho con bú này được thực hiện không quá khó khăn và khả năng bé không bú được sữa thì không còn là vấn đề nữa.
6/ Củng cố phản xạ bản năng của bé
Em bé khi chào đời đã được chuẩn bị sẵn sàng để tương tác với người mẹ – một trẻ sơ sinh nếu không phải tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị y tế sẽ được nhìn ngắm thật kỹ gương mặt của mẹ, nhận ra mùi, giọng nói của mẹ và nhớ cả cảm giác khi được chạm vào da mẹ nữa. Bé được sinh ra với những bản năng cơ bản của các loài động vật có vú như là phải giữ mình ở trong môi trường an toàn quen thuộc của người mẹ, nơi mà luôn ấm áp, an toàn và có thể nuôi dưỡng bé. Khi các bé bị tách ra khỏi mẹ, chúng sẽ bắt đầu khóc lớn, thu hút sự chú ý của mẹ về phía mình. Bé sẽ phải trải qua một cảm giác khó chịu và bất an.
Da tiếp da khơi dậy bản năng của bé
Một giờ đầu đời được xem là thời gian có tính phát triển riêng biệt cho các bé. Thực hiện da tiếp da ngay lúc này sẽ đem lại những tác động tích cực cả ngắn và dài hạn đối với thể chất và tinh thần của bé
7/ Thúc đẩy khả năng miễn dịch tự nhiên của trẻ
Khi bé chào đời, bé xuất hiện từ một môi trường gần như vô trùng trong tử cung và cần tiếp xúc với cơ thể mẹ để có được những vi khuẩn giống như của mẹ. Điều này cần thiết để cơ thể nhận biết được đâu là những vi khuẩn có lợi, đâu là những vi khuẩn có hại cho cơ thể mình. Nó sẽ khởi động hệ thống miễn dịch của trẻ để chống lại sự nhiễm trùng và bảo vệ trẻ khỏi những bệnh tật trong tương lai.
Những nghiên cứu cho thấy rằng nếu trẻ sơ sinh không có cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn của mẹ, hoặc không được sinh theo cách thông thường, được chạm vào da hay được bú sữa mẹ, thì hệ thống miễn dịch của chúng sẽ không phát triển được tối đa tiềm năng và làm tăng nguy cơ bệnh tật cho trẻ trong tương lai.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.