10 vấn đề khi cho bé bú mẹ
Cảm giác đau
Khi bạn khởi đầu việc nuôi con bằng sữa mẹ, cảm giác đau ở đầu ngực là hết sức bình thường. Nếu mỗi lần cho bé tu ti, cảm giác đau của bạn lại kéo dài hơn 1 phút thì thử kiểm tra lại tư thế của bé đã ổn chưa.
>> Xem thêm: 24 lời khuyên khi cho con bú sữa mẹ
Giải pháp: Tình trạng đau thường là do bé chỉ ngậm một phần nhỏ trên đầu ti. Đầu tiên, mẹ cần đưa ngón trỏ vào môi bé để gỡ bé ra khỏi đầu ti. Tiếp đến, cù nhẹ vào cằm hoặc cười đùa để bé mở to miệng và cho bé bú trở lại. Chú ý là miệng bé phải ngậm sâu vào phần quầng vú, mũi và cằm chạm nhẹ vào bầu ngực của mẹ.
Nứt đầu ti
Đây cũng là một trong những vấn đề thường gặp ở các mẹ cho con bú. Nguyên nhân có thể là do da khô, do thiếu sữa hoặc bé bú sai tư thế. Nếu bạn có bị chảy máu nhẹ, việc này cũng không gây nguy hiểm cho bé đâu, đừng lo lắng nhé.
Giải pháp: Bạn cần điều chỉnh lại cách cho bé bú và giảm thời gian cho mỗi cữ bú, bù lại, cho bé bú nhiều lần trong ngày. Bé sẽ ít bị đói hơn và không mút sữa quá mạnh khiến đầu ti của bạn bị tổn thương. Bạn có thể để một chút sữa vương lại trên đầu ti và để khô tự nhiên. Nếu cách này thất bại, kem từ mỡ lông cừu sẽ giúp bạn cải thiện tình hình.
Tắc sữa
Ống dẫn sữa tắc nghẽn có thể làm bạn cảm thấy một khối cứng ở ngực, ngoài ra còn cảm giác đau và những đốm đỏ. Nếu bạn bắt đầu thấy nhức và sốt, đó là dấu hiệu bị nhiễm trùng.
Giải pháp: Không nên để khoảng cách kéo dài giữa những lần cho bé bú. Áo ngực quá chật cũng có thể gây ra tình trạng trên, nên bạn cần chọn loại vừa vặn, thoải mái. Bạn có thể chườm ấm và massage 2 bên ngực để kích thích tiết sữa.
Căng sữa
Tình trạng căng sữa làm cho bé khó bú vì bầu ngực bị cứng và làm cho bé thấy không thoải mái.
Giải pháp: Thử vắt ra một ít sữa trước khi cho bé bú. Dòng chảy của sữa sẽ làm ngực mềm, giúp bé dễ tiếp cận với sữa của bạn hơn.
Viêm vú
Đây là một dạng nhiễm khuẩn ở ngực. Biểu hiện của viêm vú giống như cảm cúm vậy, bạn sẽ bị sốt và đau ở ngực. Tình trạng này thường xảy ra trong vài tuần đầu sau khi sinh và nguyên nhân có thể là do da bị rạn nứt, tác sữa…
Giải pháp: Kháng sinh, chườm nóng và thường xuyên cho bé bú hoặc hút bớt sữa sẽ giúp bạn vượt qua. Việc cho bé bú khi mẹ bị viêm vú không gây nguy hiểm. Trong sữa mẹ vốn rất dồi dào các kháng thể giúp cho hệ miễn dịch của bé trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhiễm nấm
Bạn có thể cảm thấy ngứa, đau và đôi khi phát ban. Nấm lây nhiễm từ miệng bé khi bạn cho con bú.
Giải pháp: Bác sĩ sẽ kê toa thuốc bôi cho cả bạn và bé để điều trị cùng lúc.
Ít sữa
Nuôi con bằng sữa mẹ là một quá trình mà cung và cầu sẽ tăng lên cùng nhau. Nếu bạn bị ít sữa và bé đang phát triển chậm hơn mức mong đợi, giải pháp cho bạn là cho bé bú thường xuyên và nhờ sự trợ giúp của máy hút sữa hay vắt sữa bằng tay để kích thích tuyến sữa tăng cường độ làm việc.
Bé ngủ trong lúc bú
Việc bé ngủ thiêm thiếp đi trong lúc đang bú sữa mẹ là chuyện hết sức bình thường. Khi bé lớn hơn, bé cũng sẽ thức được lâu hơn.
Giải pháp: Nếu bé ngủ trước khi bạn kịp chuyển bầu ngực, thử gãi lưng bé, hoặc cù nhẹ vào gan bàn chân, gọi bé nhẹ nhàng để đánh thức rồi chuyển bé sang bầu ngực còn lại.
Núm ti lộn vào trong
Tuy cấu tạo của đầu ngực không bình thường, mẹ vẫn có thể cho bé bú khi chịu khó điều chỉnh đầu ti bằng tay.
Đau sau khi cho bé bú
Dù bạn đã ngừng cho bé bú, sữa vẫn sẽ tiết ra và khiến bạn cảm thấy đau, tức ngực. Bí quyết cho bạn là cho bé bú lâu hơn ở mỗi bên ngực để giảm bớt lượng sữa tiết ra.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.