4 điều cần nhớ khi dùng dầu tràm cho bé

shape

29 Th02

Julia PhạmTh02 29, 2020

4 điều cần nhớ khi dùng dầu tràm cho bé

Hầu như mẹ nào có con nhỏ cũng không xa lạ với dầu tràm. Theo kinh nghiệm dân gian, dầu tràm được dùng với rất nhiều công dụng cho bé như chữa ho, chữa côn trùng cắn… Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cho trẻ sơ sinh, mẹ cũng nên thận trọng. Cơ thể nhạy cảm và non nớt của bé có thể bị tác động tiêu cực khi mẹ lạm dụng bất cứ sản phẩm gì, kể cả những loại tinh dầu hoàn toàn tự nhiên như dầu tràm. Để dùng dầu tràm cho bé đúng cách, mẹ nhớ ghi chú những điều sau nhé.

1. Không phải độ tuổi nào cũng thích hợp

Rất nhiều mẹ dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh theo kinh nghiệm của ông bà để lại mà không kiểm chứng các nghiên cứu khoa học gần đây. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không nên dùng dầu tràm cho các bé mới sinh và các bé dưới 10 tuổi. Ngay cả trong trường hợp mẹ đã dùng dầu tràm để chăm sóc bé mà không có phản ứng nào đáng lo, vẫn nên chú ý áp dụng những lưu ý an toàn khi dùng dầu tràm cho bé.

Thành phần chính của tinh dầu tràm là 1,8-cineole, một hoạt chất có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ đối với trẻ sơ sinh. Nếu bé lỡ nuốt phải tinh dầu tràm, con có thể gặp các phản ứng phụ như tiêu chảy, đau bụng, nôn… Các trẻ có bệnh hô hấp, hen suyễn hay dễ bị dị ứng có thể gặp các phản ứng phụ bao gồm khò khè và khó thở. Trường hợp nghiêm trọng nhất khi các bé bị phản ứng quá mức với dầu tràm là gây động kinh.

4 điều cần nhớ khi dùng dầu tràm cho bé

Việc sử dụng tinh dầu thiên nhiên khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không hề đơn giản như nhiều mẹ vẫn nghĩ

Chính vì vậy, việc sử dụng dầu tràm cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần được tiến hành thận trọng. Nếu mẹ không chắc chắn cách dùng dầu tràm cho bé, nhất là với các bé đang còn nhỏ so với độ tuổi khuyến nghị, nên hỏi ý kiến của bác sĩ để có câu trả lời chính xác.

2. Tránh những vùng da nhạy cảm

Dầu tràm có hoạt tính khá mạnh, có thể gây kích ứng những vùng da nhạy cảm như vùng da mặt, đầu, cổ… Chính vì vậy, khi dùng dầu tràm cho bé, mẹ không nên thoa trực tiếp lên những vùng da này. Đặc biệt, mẹ tuyệt đối không thoa dầu tràm lên mũi của con vì tinh dầu có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc phía trong mũi.

Những vị trí thoa dầu tràm lý tưởng nhất là ở lưng, ngực hay lòng bàn chân trong trường hợp cảm lạnh và khi massage cho bé sơ sinh.

Để tránh những nguy cơ dị ứng và ảnh hưởng đến làn da còn mỏng manh của bé, mẹ nên theo dõi kỹ càng sau khi thoa dầu tràm cho con. Nếu nhận thấy những dấu hiệu như da bị đỏ, sưng, ngứa hay nổi mẩn thì nên ngưng ngay việc sử dụng dầu tràm.

4 điều cần nhớ khi dùng dầu tràm cho bé

Mẹ đã biết dùng dầu massage cho bé?
Hẳn mẹ đã biết lợi ích của việc massage cho con như chống táo bón, giúp bé ngủ ngon... Tuy vậy, không phải mẹ nào cũng biết công dụng của dầu massage và cách sử dụng dầu massage cho bé như thế nào mới hiệu quả

3. Lượng dầu được tính bằng “giọt”

Mẹ ơi, vì con còn rất bé bỏng, chỉ một vòng tay của mẹ thôi cũng đã có thể nâng cả cơ thể con, con sẽ chỉ cần một lượng tinh dầu rất ít. Dưới đây là liều lượng được khuyến cáo khi dùng dầu tràm cho các bé nhỏ:

  • 5 giọt để pha vào nước tắm.
  • 1 giọt khi dùng để massage
  • 1 giọt khi dùng để thoa lòng bàn chân
  • 1 giọt để thoa những vết muỗi hay côn trùng cắn (không dùng cho vùng mặt, đầu, bàn tay)
  • 3-4 giọt nhỏ vào nước khi xông hơi

4. Không sử dụng khi không cần thiết

Cũng giống như các loại dược liệu khác, dầu tràm không nên được sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà chỉ trong những trường hợp cụ thể. Cụ thể, mẹ chỉ nên dùng dầu tràm khi các bé bị cảm lạnh, bị ho,  hay bị côn trùng cắn. Trong trường hợp bé cưng hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ nên tạm cất dầu tràm vào hộc tủ. Bôi dầu tràm vào lúc con đang khỏe, vận động liên tục và ra mồ hôi nhiều có thể khiến làn da của con bị kích ứng.

Với rất nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe, dầu tràm đã, đang và sẽ tiếp tục được các mẹ truyền tay nhau để chăm sóc bé yêu. Tuy nhiên, để việc dùng dầu tràm cho bé đạt được hiệu quả và giữ an toàn cho con, mẹ luôn cần thận trọng, kỹ càng kiểm soát cả về cách dùng lẫn số lượng dầu tràm được sử dụng.

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Julia Phạm

  • Julia Phạm Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc