5 cách giúp con sống năng động

shape

31 Th10

Cha Mẹ TốtTh10 31, 2019

5 cách giúp con sống năng động

1. Các hoạt động ngoài trời

Quả thật dùng xe đẩy đưa trẻ đi mua sắm, cho trẻ ngồi vào ghế xe hơi rất tiện lợi cho các mẹ, nhưng bằng cách giữ trẻ cố định một chỗ như thế quả thật không tốt cho trẻ chút nào. Khi bạn rảnh rỗi, hãy để trẻ được vận động tự do (tất nhiên với sự giám sát như hình với bóng của người lớn). Một trong những cách tốt nhất bảo đảm trẻ vận động là cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời.

Không gian ngoài trời có nhiều thứ để trẻ chạy nhảy, leo trèo, bò trườn, chơi đùa nhiều hơn khi trẻ ở trong nhà. Chính vì vậy mà bậc phụ huynh nên tìm hiểu các khu vui chơi an toàn bên ngoài và đưa con đi vận động. Đừng quên mang theo các quả banh cùng đồ chơi để trẻ chơi đùa. Cha mẹ cũng có thể cùng chơi bóng, trốn tìm hoặc rượt đuổi với trẻ.

5 cách giúp con sống năng động

Lối sống năng động giúp con luôn tràn trề năng lượng

Nếu đã quá chán các khu vui chơi, công viên quen thuộc, cả gia đình có thể kéo nhau đi chơi biển với trò xây lâu đài, tìm kho báu hoặc thi leo các đồi cát, ngắm cảnh. Sau bữa tối, cả gia đình có thể cùng thong thả đi dạo để ngắm sao.

2. Lăn, lê, bò, trườn
Khi việc cho con ra ngoài chơi là không thể, chẳng hạn vì trời đổ mưa, em bé đang bệnh, trẻ đang nổi cơn bực dọc v.v… thì mẹ có thể mở một vài bài nhạc và “nào, ta cùng nhảy múa”.

Bạn không nhất thiết phải tìm những bản nhạc dành riêng cho trẻ để con bạn chịu “động chân động tay”, bất kỳ bản nhạc nào với giai điệu cơ bản đều được. Hãy đứng lên và “lượn vài vòng” cùng con, chẳng mấy chốc cả mẹ và con đều đổ mồ hôi vui vẻ cho mà xem.

3. Mẹ, con cùng tập
Chắc các mẹ đều biết những lời cha mẹ nói đều gây ảnh hưởng đến cách con bạn nói chuyện, hay những gì bạn ăn cũng gây ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ. Việc tập thể dục cũng vậy: mức độ vận động và tập thể dục của con bạn trong tương lai ảnh hưởng rất lớn từ cách mà bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình.

Thế nên, những khi có thế, hãy đi bộ mua sắm hoặc tạt ngang nhà bạn bè thay vì ngồi xe suốt. Đừng quên mang theo xe đẩy nếu bạn sợ trẻ sẽ không đi nổi, hoặc nếu không gặp trường hợp đó thì xe đẩy vẫn rất hữu dụng giúp bạn chất hàng hóa lên.

Khi ở nhà, hãy cho trẻ cùng tham gia lúc bạn tập yoga, một điệu nhảy hoặc chỉ đơn thuần là tập thể dục theo video hướng dẫn.

Bạn cũng cần bảo đảm các buổi cả gia đình cùng ra đường có nhiều hoạt động, chẳng hạn như tắm ở hồ bơi gần nhà, đi dạo trong công viên hoặc thả diều thay vì chỉ ngồi một chỗ, như ngồi xe chạy lòng vòng.

4. Mời bạn bè đến nhà
Không có gì thú vị hơn có bạn bè “đồng tâm hợp lực” để cùng khuyến khích trẻ vận động. Hãy mời bạn bè thân thiết cùng đi té nước trong hồ bơi, hoặc đạp xe đạp chẳng hạn.

Nếu có nhóm bạn thường xuyên gặp gỡ hàng tuần, MarryBaby nhắc các mẹ hãy nhớ dành chút thời gian cho trẻ thỏa sức chơi đùa, tất nhiên là dưới cặp mắt giám sát của người lớn. Hoặc nếu nhà có điều kiện, bạn có thể cho bọn trẻ tập luyện cơ bắp với nhau trong khi mẹ và các bà mẹ khác cùng trò chuyện ngoài sân.

5. Đăng ký lớp ngoại khóa
Ngay cả với tuổi này ở trường, con bạn cũng sẽ có rất nhiều hoạt động như bơi lội, thể thao, âm nhạc hoặc các lớp ngoại khóa khác. Do vậy cha mẹ cần lưu ý không gây quá tải thời gian biểu của trẻ.

Mẹ nên là cầu nối điều chỉnh tính khí, thói quen hàng ngày của trẻ và nhu cầu xã hội cho trẻ. Chẳng hạn, trẻ đi học 5 ngày mỗi tuần có thể cảm thấy thêm một chương trình ngoại khóa là quá nặng. Ngược lại, trẻ đam mê hoạt động xã hội dành nhiều thời gian với bạn có thể phát triển mạnh một vài hoạt động trong thời khóa biểu mỗi tuần.

Tuy vậy, bạn cũng cần tập trung vào việc biến buổi tập ngoại khóa trở nên vui vẻ, thoải mái chứ không phải là “sản sinh” ra một vận động viên Olympic của tương lai. Không nên tạo áp lực cho trẻ phải có khả năng thể thao vượt trội ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhạy cảm này.

Hãy tìm các người huấn luyện thân thuộc với trẻ và biết cổ vũ chứ không phải ép trẻ tập. Một điều mà MarryBaby không thể không đề cập là các mẹ cần lưu ý sử dụng các trang thiết bị phù hợp và an toàn với độ tuổi của trẻ. Đồng thời, hãy chọn các chương trình tập chủ yếu tập trung vào vận động tự do thay vì theo một bài tập nghiêm ngặt (20 phút vận động là tối đa). Cơ cấu lớp học cũng là điều đáng quan tâm: một số trẻ cảm thấy bị áp đảo tinh thần trong môi trường nhiều tiếng ồn và chứng kiến hết thân thể này đến thân thể khác cứ thay nhau mà bật tường.

Trước khi đăng ký cho trẻ tham gia, bạn cần yêu cầu cho con học thử để xem liệu trẻ có khả năng tham gia khóa học hay không.

Linh Lan

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc