6 món trong thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng kiểu Nhật mẹ nên biết
Theo đuổi phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, ngay thời điểm bé bắt đầu làm quen với thức ăn mẹ đã phải “thiết quân luật” trong chuyện ăn, cách ăn. Nếu kiên trì thì khi chế biến thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng khá đơn giản, bé cũng dễ dung nạp thực phẩm mới hơn.
9 tháng là giai đoạn con đang lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Thời điểm này bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Thậm chí mẹ bắt đầu cho bé ăn cả phần cuống rau bina cắt nhỏ. Trừ món cá sống, các loại cá còn lại gần như có thể nằm trong thực đơn ăn dặm hàng ngày của trẻ. Mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm gan gà hay các loại thịt màu đỏ, đậu hũ để bổ sung sắt.
9 tháng, ăn theo kiểu Nhật, bé có thể tự cầm nắm đồ ăn mà không cần mẹ phải đút
Dinh dưỡng mỗi ngày của trẻ 9 tháng tuổi
Ông bà ta vẫn nhắc: “Trẻ 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. 9 tháng tuổi, trẻ đã phát triển gần như hoàn thiện các kỹ năng vận động như sử dụng tay và các ngón ngay, cầm nắm, bò… Đây là lúc phải tăng thêm thức ăn nhóm bột để cụng cấp đủ chất bột đường cho hoạt động thể chất.
- Số lượng bữa: 3 bữa/ngày
- Lượng sữa: 700-800ml/ngày
- Độ thô của cháo theo tỷ lệ 1 gạo: 5 nước
- Cần bổ sung thêm: 15gr đạm cá, 5-18gr đạm thịt lợn/bò/gà, 40-50g đậu phụ
- 30-40gr rau
6 món ngon cho trẻ 9 tháng ăn dặm kiểu Nhật
Theo sát con trong quá trình ăn dặm, mẹ sẽ biết được bé cần ăn thực phẩm nào và ăn gì thì tốt. Giai đoạn 9 tháng mẹ nên cho bé làm quen với nhiều món ăn mới để làm mới khẩu vị mỗi ngày. Dưới đây là 6 món ngon mẹ có thể thử cho bé tập ăn:
Cơm thịt heo viên
Nguyên liệu: 20gr thịt heo, 200ml nước dùng gà, ½ thìa dầu hào, 1/2 chén cơm
Thực hiện: Thịt heo rửa sạch, xay nhuyễn. Cho 100ml nước dùng gà nấu với cơm thành cháo đặc.
Trộn dầu hào với phần nước dùng còn lại. Làm nóng chảo, cho thịt lợn vào rim cùng hỗn hợp dầu hào khoảng 5 phút cho chín thịt. Cho cháo vào xào với thịt rim đun thêm 1 phút là được.
Với những trẻ biếng ăn, mẹ có thể sử dụng cháo loãng hơn cho bé dễ ăn.
Mực viên khoai môn
Nguyên liệu: 40gr khoai môn, 70gr mực, 1/2 thì cà phê bột chiên
Thực hiện: Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng, hấp chín, thái hạt lựu khoảng 0,5mm.
Mực cắt miếng nhỏ, xay nhuyễn. Trộn mực với bột chiên cho mịn, viên thành từng viên nhỏ đường kính 1cm.
Lăn hỗn hợp qua khoai môn cho khoai dính đều. Cho các viên mực vào nồi, hấp cách thủy cho chín. Có thể sử dụng lò vi sóng để hấp khoai môn trong lò vi sóng. Thời gian nấu khoảng 2 phút.
Ngoài bắp cải mẹ có thể đổi vị cho bé bằng cải thảo cuộn thịt heo (bò)
Thịt bò cuộn bắp cải
Nguyên liệu: 30gr thịt bò xay, 1 thìa cà phê hành tây, 3 lá bắp cải, bột năng, 100ml nước dùng, muối
Thực hiện: Lá bắp cải rửa sạch, bỏ phần cuống cứng, hấp chín. Thịt bò xào cũng hành tây vừa chín tới.
Trải lá bắp cải ra mặt phẳng, cho thịt bò vào cuộn thành thanh dài, ghim cố định bằng tăm tre.
Cho nước dùng vào chảo sâu lòng, lần lượt đặt các cuộn thịt bò vào, rim nhỏ lửa tới khi nước cạn còn ½. Lấy các cuộn thịt bò ra, cắt nhỏ.
Phần nước rim còn lại cho bột năng và chút muối vào, đun sôi lại tạo sốt.
Cơm trứng rau củ
Nguyên liệu: 20gr củ cải đỏ, 10gr rau chân vịt, ½ lòng đỏ trứng gà, 250ml nước dùng gà, 60gr gạo
Thực hiện: Rau củ rửa sạch, hấp hoặc luộc chín. Bằm nhỏ tới độ thô bé thường ăn. Sử dụng 125ml nước dùng nấu cùng gạo thành cơm nát.
Dùng ½ nước dùng còn lại rim rau củ cho mềm nhừ. Đánh tan lòng đỏ trứng, xào với cơm. Khi bé ăn thì trộn chúng các thành phần lại.
Gà hấp khoai lang và sữa
Nguyên liệu: 50gr khoai lang, 20gr ức gà, ½ quả trứng gà, 60ml sữa tươi, dầu ăn
Thực hiện: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng, hấp chín. Dằm nát bằng dĩa khi còn nóng.
Thịt gà bằm hoặc xay nhuyễn. Trộn khoai lang nghiền với thịt gà bằm.
Trứng gà đánh tan, trộn sữa và thịt gà vào khuấy đều. Trút hỗn hợp thịt gà vào tô sứ sâu lòng có bôi lớp dầu mỏng cho khỏi dính. Cho vào lò vi sóng hấp từ 2-5 phút là được.
Canh đậu hũ, nấm kim châm
Nguyên liệu: 40gr đậu hũ, 30gr cải ngọt, 20gr nấm kim châm, nước dashi, 1/3 ly nước lọc, nước tương
Thực hiện: Đậu hũ cắt miếng dày 1 cm. Cải ngọt luộc chín mềm, cắt khúc dài 1 cm. Nấm kim châm cắt khúc dài 1cm.
Cho các loại rau củ vào nồi cùng nước lọc nấu sôi trên lửa nhỏ khoảng 2 phút, cho thêm nước dashi vào trộn đều, nêm nước tương. Múc canh ra tô, khi canh còn ấm thì cho bé ăn.
8 gợi ý cho thực đơn của bé từ 8-10 tháng tuổi
Khác với giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm, các bé từ 8-10 tháng tuổi sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm hơn. Mẹ cũng có nhiều "đất" để thử tài nấu nướng hơn đấy! Cùng điểm qua những món ăn đầy hấp dẫn dưới đây nhé
Tuyệt chiêu cho con dặm kiểu Nhật thành công
Nếu ngay từ đầu mẹ đã xác định sẽ nuôi dạy con kiểu Nhật cần phải chuẩn bị tâm lý cho hành trình dài. Dù ở giai đoạn 9 tháng, bé đã làm quen với cách ăn dặm nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa là suốt 1 năm sau đó bé sẽ không đổi ý. Mẹ cần sẵn sàng “chịu đựng” việc con ăn ít, tăng cân chậm trong thời gian đầu. Vượt qua được sự yếu lòng và cảm giác xót con giai đoạn 6-12 tháng, mẹ sẽ được hưởng “quả ngọt”.
Một số bí kíp nho nhỏ các mẹ thường truyền tai nhau để kiên định khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật:
- Thống nhất quan điểm trong chuyện ăn uống của con với gia đình
- Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn
- Không ép trẻ ăn, thay vào đó, tôn trọng cảm xúc của bé
- Lựa chọn thực phẩm đúng với nhu cầu của bé
- Tránh cho bé ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, nhiều phụ gia và chất bảo quản
- Tập cho bé ăn đúng bữa và khi biết ngồi nên để bé ngồi ăn chung với ba mẹ
Tuyển tập 3 cuốn sách ăn dặm kiểu Nhật mẹ nên đọc
Sách ăn dặm kiểu Nhật là cẩm nang cũng cấp những thông tin hữu ích cho mẹ Việt trong hành trình nuôi dạy con gian nan mà ngọt ngào.
Thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng theo kiểu Nhật về cơ bản đã có những thay đổi nhất định so với thời điểm bé mới tập làm quen với thức ăn. Mẹ lưu ý khi giới thiệu món ăn mới cho trẻ, nên thử trong khoảng 3-4 ngày để xem phản ứng của cơ thể bé rồi quyết định ngưng hay giữ lại nguyên liệu mới trong thực đơn.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.