Bật mí 4 bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh phát triển kỹ năng vận động
Không phải chờ đến khi bé 6 tháng tuổi biết bò hay đến ngày sinh nhật con yêu, mẹ có thể bắt đầu cho bé vận động càng sớm càng tốt, ngay từ những tháng đầu tiên. Trong 3 tháng đầu, hầu hết các bé sẽ dành nhiều thời để ăn và ngủ. Vì vậy, mẹ nên tranh thủ lúc bé thức để cho bé vận động cơ bản.
Những bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh sẽ giúp bé phát triển thể lực và tăng sức đề kháng
1. Tập tay
Các bài tập thể dục tay không chỉ giúp trẻ sơ sinh phát triển kỹ năng vận động thô mà còn nâng cao sự phát triển ở cả 2 bán cầu não. Đầu tiên, mẹ nên bắt đầu vuốt ve, massage lòng bàn tay bé, khuyến khích trẻ cầm nắm bàn tay của mình.
Động tác 1: Trong tư thế nằm ngửa, mẹ nhẹ nhàng di chuyển cánh tay của bé lên xuống dọc cơ thể để kích thích sự dẻo dai của vai.
Động tác 2: Dang tay bé sang ngang sau đó bắt chéo tay trước ngực là động tác giúp trẻ mở rộng vai và phát triển các nhóm cơ ở ngực.
Động tác 3: Di chuyển tay bé lên xuống, xen kẽ một tay lên, tay xuống. Khi bé quen dần, mẹ có thể giữ tay bé xoay qua vai tạo thành vòng tròn. Sau đó đổi chiều một lần nữa. Động tác này giúp phát triển khả năng di chuyển của vai.
Ngoài ra, mẹ có thể dùng đồ chơi chạm vào bàn tay của trẻ, giúp bé cảm nhận được các loại vật thể khác nhau. Tranh thủ lúc cho con bú, mẹ có thể cầm tay trẻ đặt trên ngực, hoặc hướng bàn tay bé sờ vào khuôn mặt, cách tay của mẹ.
Kích thích sự phát triển giác quan của trẻ sơ sinh
Với bé con mới sinh của bạn, thế giới là một tổng thể những điều mới mẻ, lạ kỳ từ âm thanh, hình ảnh đến hương vị, cảm xúc. Không như người lớn, bất cứ thứ gì trẻ sơ sinh tiếp xúc lúc này đều xinh đẹp và hoàn hảo. Vậy làm sao để mẹ giúp bé tận hưởng và trải nghiệm những cảm giác đầu đời đẹp đẽ...
2. Bài tập mở rộng tầm nhìn
Sau khi cho con bú, mẹ ôm bé vào lòng để phần đầu bé tựa vào vai mẹ. Nhẹ nhàng đỡ đầu của bé thẳng đứng tự nhiên. Động tác này sẽ giúp trẻ phát triển cơ ở phần cổ. Lưu ý: Vỗ nhẹ lưng bé trước khi thực hiện, tránh tình trạng bé bị ọc sữa do vừa bú quá no.
Khi bé đầy tháng, mẹ có thể bế bé ngồi trên cách tay, phần đầu và lưng bé tựa vào ngực. Dùng tay đỡ ngực cho bé hơi hướng về phía trước. Cách này vừa giúp trẻ rèn luyện khả năng kiểm soát đầu, cổ, vừa khơi gợi hứng thú khám phá thể giới xung quanh của trẻ.
Giữa 2 cữ bú, mẹ có thể cho bé nằm sấp, dùng đồ chơi thu hút sự chú ý để bé ngẩng đầu, quay trái quay phải. Hoặc mẹ có thể cho bé nằm ngửa, cho bé nắm tay và di chuyển chéo tay của bé, khuyến khích bé tự di chuyển người theo hướng tay. Mách nhỏ cho mẹ: Nếu bé chưa đủ mạnh để kích hoạt nhóm cơ này, mẹ đừng nên dùng lực để ép bé di chuyển. Có thể chỉ khuyến khích bé quay đầu sang trái, phải là đủ.
3. Bài tập thăng bằng
Đặt bé nằm sấp trên một quả bóng lớn, loại bóng thường sử dụng trong các phòng tập. Giữ bóng và bé để có thể vừa di chuyển bóng, vừa đảm bảo an toàn cho bé. Lưu ý: Không giữ bóng quá chặt, bé sẽ gặp khó khăn khi tự mình di chuyển bóng. Khi mẹ lăn bóng, bé sẽ cố gắng tự điều chỉnh cơ thể và bám chắc vào bóng. Hoạt động này sẽ giúp kết nối thần kinh cơ bắp, đồng thời kích thích sự phát triển kỹ năng phản xạ của trẻ.
Bài tập với bóng sẽ giúp bé phát triển kỹ năng giữ thăng bằng, phản xạ tốt hơn với tình huống thiếu an toàn
4. Bài tập chân
Động tác 1: Cho bé nằm ngửa, nắm chân trẻ ở phần đầu gối, di chuyển lên xuống hướng về bụng bé. Lần lượt, một chân đưa lên, chân còn lại sẽ kéo thẳng ra, giống động tác đạp xe. Không chỉ giúp bé vận động chân, bài tập này còn giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ sơ sinh.
Động tác 2: Vẫn trong tư thế nằm ngửa, giữ 2 chân bé chuyển động tròn từ bụng sang 2 bên và kéo xuống dưới. Động tác này sẽ giúp phát triển cơ đùi trong và sự đàn hồi của chân.
Lưu ý: Mỗi bé sơ sinh sẽ có sự phát triển các kỹ năng không giống nhau. Vì vậy, đừng ép bé tập nếu bé không muốn. Thay vào đó, mẹ nên quan sát và chỉ cho bé tập những bài tập làm bé vui. Mẹ cũng không nên cho bé tập quá nhiều, khoảng 5-10 phút/lần là đủ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.