Bé 8 tháng tuổi biết làm gì?
Bé 8 tháng tuổi đặc biệt tò mò, và lúc này, khả năng vận động tốt hơn đã giúp bé có được những nhận thức mới về môi trường xung quanh. Bé 8 tháng tuổi biết làm gì? Cùng đồng hành với quá trình phát triển của tở trẻ sơ sinh ở tuổi này để có được một bức tranh toàn cảnh, mẹ nhé!
Khả năng thả và ném
Trẻ 8 tháng tuổi đã hoàn thiện nhiều kỹ năng của đôi bàn tay. Nhờ khả năng điều khiển tốt bàn tay và các ngón tay, lúc này, bé đã dễ dàng thả một đồ vật rơi xuống. Bên cạnh đó, bé cũng thích thử một trò chơi mới: Ném các đồ vật đi. Đó là lý do mẹ vẫn nên ưu tiên chọn những món đồ chơi mềm mại, có độ đàn hồi tốt cho các bé ở tuổi này.
Trò chơi cho bé từ 8 tháng: Thả bóng vào “đường hầm”
Vào tháng tuổi này, cử động tay của trẻ trở nên uyển chuyển hơn khi đã có thể nhặt những đồ vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ theo kiểu gọng kìm. Trò chơi thả bóng vào “đường hầm” sẽ giúp bé luyện tập một kỹ năng mới, đồng thời học được bài học về nguyên nhân và kết quả.
Phản ứng khóc theo “dây chuyền”
Ở lứa tuổi này, khi thấy một em bé khác khóc thì bé cũng dễ bật ra tiếng nức nở. Đây là một phản xạ khởi đầu sự thấu hiểu của bé với những người xung quanh. Khả năng này sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn vào những năm tới.
Đặc biệt gắn bó với một món đồ chơi
Từ tháng thứ 8, một số bé đã tỏ ra đặc biệt yêu thích một món đồ chơi, ví dụ như gấu bông hay xe ô tô… Trong tâm lý của trẻ ở lứa tuổi này, món đồ chơi này có tác dụng như vật đảm bảo an toàn. Bé sẽ mang món đồ chơi này đi khắp nơi, kể cả lên máy bay hay đến lớp học. Chính vì vậy, mẹ nên chuẩn bị 2 món đồ chơi giống hệt nhau để phòng trường hợp bị mất hoặc hư hỏng. Nhiều bé khác lại không đặc biệt yêu thích món đồ chơi nào trong thời gian này.
Thị giác đã hoàn thiện
Các bé 8 tháng đã có được thị giác xấp xỉ với người trưởng thành. Lúc này, bé có thể nhìn dõi theo một vật chuyển động và xác định được cách để di chuyển tới nơi có đồ vật này. Mẹ nên thực hiện những trò chơi kích thích thị giác cho trẻ thường xuyên hơn.
Mẹ có thể tiếp tục trò chơi đung đưa đồ vật trước mặt bé. Lúc này, con đã có thể giơ tay để bắt những đồ vậy đang di chuyển
Ngôn ngữ của bé
Khi tròn 8 tháng, nhiều bé đã biết nói “dada”, “mama”. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn chỉ mới biết bập bẹ điều gì đó thì cũng hoàn toàn bình thường. Dù bé đang ở mức độ nào, mẹ cần duy trì việc trò chuyện cùng con. Ngay từ độ tuổi này, mẹ đã nên đọc sách cho bé nghe mỗi ngày, cùng với kể những câu chuyện thú vị cho con nghe.
Mẹ đừng lo lắng nếu thấy bé nhà mình có vẻ tụt lại so với nhiều bạn đồng trang lứa. Mỗi đứa trẻ có một nhịp độ phát triển riêng và đến một lúc thích hợp, bé sẽ vượt qua tất cả các mốc phát triển cần có.
Bí quyết phát triển ngôn ngữ cho bé từ trong nôi
Mới sinh ra, bé nào cũng có cùng một khởi đầu như nhau. Theo thời gian, với sự tiếp xúc với môi trường và cách truyền thụ của bố mẹ, bé sẽ đạt được những mốc phát triển khác nhau về mặt ngôn ngữ. Điều đáng ngạc nhiên là mẹ có thể bắt đầu tạo dựng "vốn liếng" ngôn ngữ cho con từ thuở còn nằm nôi
Chăm sóc và khuyến khích bé 8 tháng tuổi
Để tiếp tục đồng hành cùng con trên hành trình phát triển, mẹ có thể áp dụng một số mẹo sau đây:
- Khuyến khích bé tự bốc hoặc xúc thức ăn: Điều này khuyến khích sự phối hợp giữa tay và mắt bé. Mẹ có thể chuẩn bị các món rau củ luộc, trái cây, cơm viên… để giúp bé thực hành kỹ năng này.
- Giữ an toàn cho bé: Các bé ở tuổi này đang rất hứng thú với việc tập đứng lên. Bé sẽ bám vào thành nôi, ghế sofa hay chân bàn để kéo thân thể đứng dậy. Đây cũng là thời điểm mẹ nhận thấy bé bị té ngã liên tục. Để con không bị chấn thương, bên cạnh việc để bé tự do khám phá thì mẹ vẫn nên ở gần con để giúp bé xử lý những tình huống mất thăng bằng hoặc té ngã.
- Chọn đồ chơi thích hợp: Bé đang học cách khám phá các món đồ chơi có âm thanh. Mẹ có thể chọn những món có nút bấm để giúp bé tập cách bấm nút để nghe những tiếng động thú vị.
- Trò chơi xếp đồ vật: Bé cũng đang tìm hiểu về kích thước đồ vật và tập cách cho món đồ nhỏ hơn vào một hộp đựng lớn. Mẹ để con tự do làm điều mình thích nhé.
Việc bé 8 tháng tuổi biết làm gì không chỉ phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của bé, nó còn là kết quả của việc mẹ tương tác với bé ra sao trong những tháng trước. Những trò chơi và hoạt động đúng lứa tuổi sẽ rất có ích đối với sự phát triển của con. Mẹ nên duy trì việc tương tác với bé hàng ngày thông qua những trò chơi thú vị, thông qua việc trò chuyện, đi dạo cùng bé… Bằng cách này, mẹ sẽ góp phần tích cực hơn vào những bước phát triển của trẻ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.