Bé chậm nói hay những dấu hiệu bình thường
Cha mẹ có thể nhận thấy bé chậm nói hơn so với một vài bạn nhỏ cùng lứa tuổi, nhưng hãy bình tĩnh. Chỉ cần chú ý quan sát, bạn hoàn toàn có thể tự nhận biết và đánh giá đúng đắn về sự phát triển ngôn ngữ của con nhỏ thông qua những biểu hiện thường ngày của bé.
Nên bình tĩnh và kiên nhẫn khi thấy bé chậm nói hơn những bé khác
Những biểu hiện cho thấy sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ bình thường của bé qua các giai đoạn:
Từ 3 – 6 tháng: trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra.Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau. Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.
Từ 6 – 9 tháng: chúng bắt đầu nối các âm thanh với nhau, và nói thành từ như “ma ma” và “ba ba” (dù không thực sự hiểu nghĩa từ).
Từ 9 – 12 tháng: bé biết phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Tùy theo mỗi bé, nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có bé nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: ba, bà.
Từ 12 đến 15 tháng: ở lứa tuổi này, bé đã phát được khá nhiều âm và ít nhất nói được một hoặc hai từ đúng (không bao gồm “mẹ” và “bà). Các danh từ thường được nói trước, như “bé” và “bóng”. Con bạn cũng đã có thể hiểu và tuân theo những chỉ dẫn (câu lệnh) đơn lẻ, chẳng hạn “đưa cho mẹ quả bóng”.
Từ 15 – 18 tháng: sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi được 18 tháng tuổi bé sẽ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, khi nói các bé bắt đầu hình thành các trật tự câu. Bé biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho bé nhìn tranh như: hình ba mẹ, hình con cá hoặc hình con cún, con mèo…
Từ 18 tháng đến 2 năm: bé phải biết khoảng 20 từ vào lúc 18 tháng tuổi , 50 từ hoặc hơn vào thời điểm lên 2 tuổi. Khi được 2 tuổi, bé đã học được cách kết nối 2 từ, ví dụ “chào ba” hoặc “mẹ béo”. Trẻ 2 tuổi cũng có thể thực hiện được các chỉ dẫn hai bước, ví dụ “nhặt quả bóng lên và đưa lại cho ba”.
Từ 2 – 3 tuổi: Vào bé bước vào lứa tuổi này, bạn thường chứng kiến sự “bùng nổ” trong ngôn ngữ của bé. Vốn từ của con bạn sẽ tăng lên (tới mức không thể đếm được) và bé sẽ kết hợp ba hoặc nhiều từ hơn trong một câu.
Đến 3 tuổi bé biết tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Bé cũng biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản. Bé trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không. Sau giai đoạn này, bé sẽ nói được và sẽ tạo đà cho bé phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.
Từ 3 – 4 tuổi: bé nói được các câu phức tạp, bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao… Khả năng hiểu cũng tăng lên, bé sẽ bắt đầu hiểu “đặt nó lên bàn” hoặc “đặt nó dưới gầm giường” nghĩa là gì. Con bạn cũng sẽ bắt đầu phân biệt được màu sắc và hiểu các khái niệm mô tả (như to lớn, nhỏ,…).
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.