Bé trải qua những gì trước khi biết đi?
Khi mới sinh, dù cho mẹ có mong đến thế nào thì các bé cũng mới chỉ biết nằm im và động đậy các ngón tay, ngón chân mà thôi. Nhưng chỉ cần đến sinh nhật đầu tiên của bé, mẹ sẽ được thấy cách mà nhóc tì đứng lên và bước trên đôi chân của mình. Rất nhanh, mẹ sẽ quên mất rằng đã có lúc chiếc “hỏa tiễn” này chỉ biết ngồi yên một chỗ.
Thực ra, các giai đoạn phát triển của trẻ không thể diễn ra chỉ sau một đêm. Các bé phải “làm việc” khá vất vả và kiên nhẫn để thành thạo các kỹ năng vận động này đấy mẹ ạ. Khi các cơ bắp tiếp tục phát triển và thành thạo việc di chuyển, bé sẽ trở thành một nhà thám hiểm tí hon, đi tới khắp mọi ngóc ngách trong nhà để khám phá. Nhưng trước hết, mẹ hãy thử điểm qua từng giai đoạn phát triển của bé cưng đã nhé.
Trải qua từng giai đoạn phát triển, trẻ sẽ ngày một cứng cáp hơn
Nâng cao đầu
Sự phát triển các cơ cổ chính là bước đầu tiên trong cả hành trình phát triển kỹ năng vận động của bé. Trong vài tuần đầu tiên, có thể mẹ sẽ thấy cổ bé khá mềm. Tuy nhiên, nếu mẹ đặt bé nằm sấp thì bé sẽ nhanh chóng học cách nâng đầu lên vài giây. Khi được 3 tháng, bé sẽ bắt đầu quay đầu sang trái, sang phải để nhìn theo sự di chuyển của mẹ hoặc những món đồ chơi nhiều màu sắc. Những cử động này giúp tăng cường sức mạnh cho cổ của bé. Đến khoảng tháng thứ tư, bé sẽ có thể nâng cao đầu trong khi đang chống hai khuỷu tay của mình xuống sàn.
Lăn tròn
Một khi bé đã có thể nâng cao đầu khi đang nằm sấp cũng là lúc bé đã có thể lăn. Đầu tiên, bé mới chỉ biết lăn từ nằm sấp sang nghiêng, sau đó thì sấp – ngửa. Đến tháng thứ 6, mẹ sẽ thấy bé thực hiện những vòng lăn liên tục, đó là cách để con di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Đó là do cơ bụng của bé đã đủ khỏe cho hoạt động này.
Bò
Đây là một mốc đáng kể trong các giai đoạn phát triển của trẻ. Tất cả trọng lượng cơ thể đã được đặt lên 4 trụ cột: 2 cánh tay và 2 chân. Các nghiên cứu nhận thấy trẻ sinh ra vào mùa đông và xuân sẽ mau biết bò hơn so với những bé sinh ra trong mùa hè và thu. Nhưng hầu hết trẻ đều thành thạo kỹ năng này trong khoảng từ 7 đến 10 tháng. Nếu con bạn không biết bò, không sao cả. Rất nhiều trẻ bỏ qua giai đoạn này và vẫn phát triển bình thường.
Mẹ có nên lo lắng khi bé chậm biết bò?
Trong dân gian có câu nói rằng "Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi". Thế nhưng, bé của mẹ đã qua cái mốc 7 tháng khá lâu rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu biết bò. Điều này có gì bất thường không?
Ngồi
Khả năng ngồi thường đến không bao lâu sau khi bé biết lăn, trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng. Tuy sử dụng cùng nhóm cơ với chuyển động lăn, việc tìm cách ngồi vững sẽ gây khó khăn cho bé nhiều hơn. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ thấy bé hơi đổ người về trước, chống hai tay để giữ thăng bằng. Đến 8 tháng tuổi, bé sẽ không cần hỗ trợ khi ngồi nữa. Tuy đôi khi vẫn bị ngả nghiêng, bé sẽ nhanh chóng dùng cánh tay để đỡ thân người của mình.
Và vì các cơ ở phần thân trên đã trở nên mạnh mẽ hơn, bé có thể với và cầm đồ chơi trong lúc ngồi mà không cần mẹ phải giúp đỡ. Vài tháng trôi qua, bé sẽ biết giữ lưng và đầu thẳng. Dần dà, bé sẽ không còn phải chống tay để đỡ người nữa. Giờ đây, đôi tay đã được tự do để cầm đồ chơi.
Đứng lên và bước
Ngay sau khi biết ngồi, bé đã rất mong ngóng được đứng lên và bước đi. Tất cả mọi thứ như thành cũi, bức tường, chiếc ghế… đều biến thành tay vịn của bé. Khi mới tập đứng lên, bé sẽ không biết cách để ngồi xuống, nên nếu nghe con khóc lóc xin trợ giúp, mẹ nhớ chỉ cho bé cách cong đầu gối để hạ thân người xuống nhé.
Chẳng bao lâu sau đó, bé đã có thể đi một vòng bằng cách bám vào thành cũi, hay vịn theo các cạnh tường để di chuyển. Khi đã tập được khả năng giữ thăng bằng tốt hơn, bé sẽ bước khỏi vòng tay của mẹ để thực hiện những bước đi của chính mình. Thời điểm bé biết đi có thể dao động trong khoảng 8 đến 18, nên đừng vội lo lắng khi con chưa chịu “nhúc nhích” trong khi các bé cùng lứa đã bắt đầu đi lon ton rồi nhé.
Để con đi nhanh và chắc chắn, mẹ hãy để bé đi chân trần. Điều này giúp bé bám đất tốt và giữ thăng bằng thoải mái hơn so với đi giày.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.