Bố mẹ ơi, con ghét …

shape

31 Th10

Khanh ElisaTh10 31, 2019

Bố mẹ ơi, con ghét …

Vậy thì những gì con cái thường không thích ở cha mẹ? Đó có thể là một lối cư xử vô hình nào đó lập đi lập lại và đã trở thành một điểm tối trong “nếp nhà” hay những lời nói “cho qua chuyện của cha mẹ” nhưng nhìn chung lại, trẻ con trên toàn thế giới đều từ trạng thái… không hiểu nổi đến ghét những hành động của bố mẹ sau đây:

Không giữ lời hứa

Thỉnh thoảng, cha mẹ hay hứa này hứa nọ với con rằng sẽ mua cho con món đồ chơi yêu thích nếu chúng học tốt hay đưa con đi sở thú, công viên, về thăm ông bà nếu con ngoan… Rồi nhịp sống kéo chúng ta đi cùng bộn bề công việc và quên bẵng những lời hứa đó. Với chúng ta, đôi khi đó chỉ là chuyện nhỏ, nay không làm thì mai làm nhưng với trẻ con, đó là cả một mục tiêu, một dự án lớn chúng đang theo đuổi. Và khi chúng nhắc, bố mẹ lại có rất nhiều “lý do lý trấu” giải thích cho sự nuốt lời của mình rồi lại hứa hẹn nhưng lặp lại vài lần như vậy, con cái sẽ không còn tin chúng ta nữa. Hơn nữa, chúng sẽ học rất nhanh cách “lấp liếm” khi không giữ lời hứa.

Hãy tiết kiệm lời hứa với con nhưng một khi đã hứa, hãy thực hiện đúng như kế hoạch. Đừng vô tình gieo vào lòng trẻ niềm hi vọng rồi biến thành thất vọng.

Bố mẹ ơi, con ghét …

Những giờ vui chơi cùng bé sẽ giúp bố mẹ gần gũi với bé hơn

Quá bảo bọc

Cha mẹ nào cũng muốn con cái được mạnh khỏe, an toàn. Nhưng khi trẻ con lớn lên, chúng muốn khám phá mọi thứ theo cách của riêng mình. Chạy nhảy, leo trèo, đùa giỡn… cùng bạn bè là những bài tập rất tốt cho thể chất và tinh thần trẻ nhưng đôi khi lại ẩn chứa một chút nguy hiểm. Và chúng sẽ buồn biết bao nhiêu nếu bị cha mẹ “cấm tiệt” vì sợ nguy hiểm.

Hãy hướng dẫn cho con cách bảo vệ mình an toàn, những kiến thức cần thiết để chăm sóc bản thân và để trẻ hòa nhập cùng thế giới và biết đứng lên sau những va vấp nhỏ để mai này vững chãi trước cuộc đời. Đó là tình thương và cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Có thể lần này chúng ngã để lần khác sẽ cẩn thận hơn.

Từ chối sự giúp đỡ

Khi thấy bố mẹ bận quá, những đứa trẻ ngoan sẽ muốn được giúp đỡ nhưng bạn phũ phàng từ chối chúng bằng câu nói quen thuộc: “con đi ra… chỗ khác chơi” mà không hề biết rằng điều đó sẽ làm tổn thương trẻ. Bạn nên vui sướng khi con cái đề nghị chúng ta như thế bởi đó là đứa trẻ rất thông minh, biết thương bố mẹ và có tinh thần trách nhiệm. Hãy giao cho trẻ những việc vừa sức và hướng dẫn tỉ mỉ cách thực hiện. Trẻ sẽ rất vui và cảm thấy mình có ích.

Bị phớt lờ

Dẫu biết bạn vô cùng mệt nhọc với 1001 công việc thường nhật nhưng sự phớt lờ khi con trẻ trò chuyện hay hỏi han bạn là một sai lầm phố biến nhưng cực kỳ nghiêm trọng của các bậc cha mẹ. Những câu hỏi rơi vào thinh không, trẻ con luôn phải độc thoại một mình hoặc chỉ nhận được những câu nói “cho qua chuyện của cha mẹ”, chúng sẽ rất tức giận. Dù bận cách mấy thì bạn cũng nên khen ngợi “tác phẩm nghệ thuật” mà con cái vẽ và khoe với bạn hay giải thích tường tận vì sao con mèo kêu meo meo mà con chó lại sùa gâu gâu… Đó là những việc “rất quan trọng” với trẻ.

Giận dữ phi lý

Ai chẳng có lúc bị stress với công việc hay trở nên cáu kính nhưng bạn tuyệt đối không được trút lên con. Trẻ con không thể nào hiểu được vì sao chúng bị mắng chỉ vì ăn cơm lâu, vì chạy loanh quanh trong nhà. Trẻ con cần được dạy dỗ để nhận thức và làm điều đúng chứ không phải làm tốt những điều bố mẹ muốn chúng làm. Vì thế mong đợi và ép uổng trẻ phải đi nhanh bằng bạn, bắt trẻ phải nín khóc khi trẻ bị đau… Hãy hiểu khả năng của trẻ và để trẻ phát huy hết những gì trẻ có thể làm và giúp trẻ phát triển theo đúng trình tự logic tự nhiên.

Không phải điều trẻ muốn

Bạn mua cho trẻ một món đồ chơi hay một bộ quần áo rất đắt tiền để rồi lại bực mình vì trẻ không đoái hoài gì đến chúng. Nên nhớ đó là thứ bạn nghĩ nó tốt chứ không phải trẻ. Trẻ không thích bởi nó không phù hợp. Trẻ không ăn không có nghĩa là bị ốm mà đôi khi chúng không thể nuốt nổi món không hợp khẩu vị. Đừng cố đoán, nếu có thể, hãy hỏi trẻ những thứ chúng thích hay cố ghi nhớ thái độ, sở thích của trẻ để có thể cho chúng những thứ làm chúng bật cười vui sướng.

Nói không đi đôi với làm

Người lớn chúng ta bảo trẻ không được thức khuya nhưng lại luôn vi phạm, bảo trẻ phải biết thương người nhưng lắc đầu lạnh lùng với người ăn xin trước mặt trẻ. Dù có giải thích thế nào thì trẻ cũng không thể hiểu tại sao thức khuya có hại với trẻ con nhưng lại vô hại với người lớn hay tại thương người cơ khó lại từ chối giúp đỡ. Trẻ con luôn xem cha mẹ, người lớn xung quanh là tấm gương để noi theo. Khi lời nói không đi đôi với việc làm, chúng ta vô tình đánh mất đi sự tôn trọng của trẻ.

Khi trẻ lớn hơn một chút mới có thể hiểu được sự phức tạp của cuộc đời. Còn khi là một đứa trẻ, chúng sẽ nghĩ sao nói vậy, làm vậy và cũng mong người lớn cư xử với chúng như thế. Người lớn nào cũng từng là trẻ con, hãy bước vào thế giới trẻ con lần nữa để hiểu con yêu mình đang từng ngày lớn lên như thế nào.

Ánh Nguyệt

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Khanh Elisa

  • Khanh Elisa Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc