Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Các bà mẹ hiện đại đều không xa lạ với việc bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh. Việc vắt sữa, trữ sữa giúp mẹ chủ động hơn khi chăm sóc con. Dù mẹ có bận làm việc hay đi công tác, bé vẫn luôn có sẵn một lượng sữa thơm ngon và giàu dinh dưỡng.

Share this Post:
Nuôi dạy con

Nhiều mẹ chọn cách vắt sữa cho con ngay sau khi sinh, một số mẹ khác lại bắt đầu việc này sau 6 tháng thai sản, khi quay trở lại với công việc. Việc hút và trữ sữa mẹ trong tủ lạnh cho con uống đã trở nên vô cùng quen thuộc và được nhiều mẹ áp dụng để cung cấp nguồn sữa mẹ quý giá cho con. Nắm được những lưu ý khi bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh sẽ giúp mẹ giữ nguyên dinh dưỡng và kháng thể trong sữa trữ đông cho con.

Thời gian trữ đông tùy vào loại tủ lạnh

Hầu hết các mẹ hiện nay đều biết, nếu vắt và bảo quản, trữ đông sữa mẹ đúng cách, sữa mẹ vẫn đảm bảo có đủ các chất dinh dưỡng, kháng thể phù hợp với con hơn tất cả các sữa công thức khác. Tuy nhiên, việc bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh được lâu hay mau sẽ phụ thuộc lớn vào loại tủ lạnh mà nhà bạn sử dụng.

Cụ thể, sữa mẹ đã hút/ vắt nhưng chưa dùng ngay sẽ mau chóng bị hư hỏng khi nhiệt độ cao. Nhiệt độ càng thấp, sữa mẹ càng được bảo quản lâu.

  • Trong nhiệt độ phòng >29 độ để sữa được tối đa 1 giờ
  • Nhiệt độ phòng máy lạnh <26 độ để sữa tối đa 6 giờ
  • Nếu dùng túi đá khô để vận chuyển sữa tối đa 24 giờ
  • Cất sữa trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 48 giờ
  • Trữ sữa mẹ đông trong ngăn đá tủ lạnh nhỏ 1 cửa tối đa 2 tuần
  • Trữ sữa mẹ đông trong ngăn đá tủ lạnh 2 cửa (ngăn đá có cửa riêng) được tối đa 3 tháng
  • Dùng 
tủ đông chuyên dụng (tủ lạnh dành riêng để trữ đông thức ăn) để trữ sữa mẹ sẽ được tối đa 6 tháng.

    Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

    Bảo quản sữa mẹ đúng cách có thể nâng thời gian trữ đông đến vài tháng

Những lưu ý khi dùng sữa mẹ trữ đông

  • Không trữ đông phần sữa mẹ vắt ra mà bé bú dư. Trong lúc bé bú, vi khuẩn trong miệng bé có thể xâm nhập vào sữa và gây hư sữa.
  • Để tiết kiệm túi trữ sữa, mẹ có thể vắt sữa, cất vào túi và để ở ngăn mát. Đến cữ vắt tiếp theo mẹ đổ thêm vào cho đầy túi rồi cất lên tủ đông.
  • Không hoà chung sữa mới vắt và sữa đã trữ đông cho bé bú
  • Dùng bình trữ sữa, hoặc túi trữ sữa, dùng băng keo giấy, hoặc bút lông dầu để ghi ngày, tháng vắt sữa lên túi, tiện cho việc theo dõi thời gian dùng sữa sau này.
  • Nên dùng túi trữ sữa chuyên dụng có khoá zip hoặc loại bình trữ sữa có bán tại các shop mẹ và bé. Không nên đựng trong bịch nilon, chai nước suối chưa qua tiệt trùng.

Cách rã đông sữa mẹ “chuẩn”

  • Nếu sữa cất ở ngăn mát tủ lạnh, mẹ chỉ cần lấy ra ngoài để cho bớt lạnh hoặc ngâm cả bình sữa vào ly nước ấm rồi cho bé bú
  • Sữa lấy từ tủ lạnh ngăn đá ra nên cho vào ngăn mát để  tan dần. Sữa tan hết thì cho ra ngoài một lúc sau đó hâm sữa cho nóng khoảng 40 độ C là có thể cho bé bú. Nếu không có máy hâm sữa, mẹ cũng có thể cho bé bú sữa nguội hoặc ngâm bình sữa vào vào ly nước nóng cho hơi ấm.
  • Tuyệt đối không làm sữa tan nhanh bằng bất kỳ hình thức nào. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ làm sữa bị mất các hàm lượng dinh dưỡng và chết kháng thể.
  • Sữa đã cho ra môi trường bên ngoài thì không để quá 24h. Nếu bé bú không hết mẹ cũng nên đổ đi không dùng lại.
    Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

    Cách hâm nóng sữa mẹ đúng cách không làm mất chất
    Đối với sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh, việc hâm nóng trước khi cho bé uống là điều cần thiết. Có nhiều cách hâm nóng sữa mẹ khác nhau và một số lưu ý khi làm nóng sữa dưới đây sẽ giúp bạn giữ được lượng dinh dưỡng hoàn hảo cho bé

Sữa mẹ đổi màu, mùi có đáng lo? 

Nhiều trường hợp sữa mẹ sau khi vắt ra để tủ lạnh hoặc trữ đông có mùi tanh, mùi kim loại, thậm chí là mùi xà phòng hoặc mùi mỡ. Nhiều mẹ thấy mùi lạ đã nhanh chóng đổ bỏ phần sữa này đi. Thật ra, sữa có mùi là do tác động của enzim lipase đã bẻ gãy các chất béo ở sữa mẹ vắt ra trong quá trình để tủ lạnh. Trong trường hợp này, sữa mẹ vẫn an toàn và bé vẫn có thể uống được mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, một số bé có thể sẽ không chịu uống vì mùi lạ. Mẹ có thể tham khảo cách khắc phục sữa có mùi sau đây:

Sữa mẹ mới vắt ra có thể hâm nóng đến 72 độ C trong vòng 2 phút để ngăn chặn sự hoạt động của enzim lipase. Sau đó, đổ sữa vào túi hay bình thuỷ tinh rồi cất vào ngăn mát khi sữa còn nóng để bảo quản như hướng dẫn ở trên. Các chuyên gia sữa mẹ cho biết, cách làm này có thể làm một số chất miễn dịch trong sữa mẹ bị giảm sút hoặc mất đi. Vì vậy chỉ nên bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh theo cách này nếu bé không chịu dùng sữa trữ đông tự nhiên.

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by
 Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Related Posts: