Cách nuôi dạy con làm tăng hạnh phúc (P.2)
Khen ngợi con đúng cách
Thay vì nói ngắn gọn “Con giỏi lắm”, bạn nên giải thích rõ cho trẻ hiểu vì sao lại được khen ngợi. Một sự giải thích phù hợp như “Con biết kiên nhẫn chờ ba/ mẹ nói chuyện điện thoại xong mới hỏi xin bánh quy là giỏi lắm đấy nhé, ba/ mẹ yêu con…” sẽ khiến trẻ thực sự phấn khởi.
Luôn khen ngợi khi con làm tốt. Như vậy sẽ giúp trẻ củng cố các hành vi tích cực và hào hứng tiếp tục thực hiện trong những lần tới.
Hiệu ứng “tin đồn” lợi hại hơn lời khen trực tiếp nhiều: Bạn có thể khéo léo để trẻ bắt gặp hay “tình cờ” nghe thấy bạn đang khen ngợi trẻ với ông bà, cha / mẹ hoặc thậm chí là chú gấu bông đáng yêu.
Tin tưởng chính mình
Bạn có thể nghỉ ngơi: Nếu quá mệt mỏi và không muốn nấu ăn, bạn có thể mua thức ăn nhanh cho lũ trẻ để có chút thời gian nghỉ ngơi.
Tin vào linh cảm người mẹ: Không ai hiểu con trẻ nhiều hơn mẹ của chúng. Hãy hành động theo bản năng làm mẹ nếu bạn cảm thấy con không khoẻ hay có gì khó chịu, phần lớn là bạn đúng đấy!
Can đảm từ chối làm thêm việc ở công ty hoặc giảm bớt thời gian tham gia làm tình nguyện trong ngày hội ở trường của con. Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì đã dành thêm thời gian cho con.
>> Xem thêm: 10 bí quyết giúp trẻ cư xử đúng mực
Không bao giờ cho phép trẻ vô lễ, cư xử thô lỗ hay nói lời tổn thương với bạn hoặc bất kỳ ai khác. Nói cho trẻ biết bạn quyết không chấp nhận sự thô lỗ đó.
Nói cho những người có ảnh hưởng đến cuộc sống của con như vợ / chồng bạn, ông bà, người giúp việc, cô trông trẻ… biết những giá trị và thói quen bạn muốn rèn cho con. Họ sẽ giúp bạn dạy con theo như cách bạn muốn, ví dụ như biết nói “cảm ơn” và không khóc lóc mè nheo…
Chú ý rèn các kỹ năng xã hội
Mỗi ngày bạn hãy hỏi 3 câu liên quan đến hoạt động của trẻ. Đối thoại là một kỹ năng quan trọng mà nhiều cha mẹ quên dạy con. Bạn có thể hỏi “Hôm nay con đi học có vui không?, “Trong buổi liên hoan con đã làm gì?” hay “Chiều mai nghỉ con muốn đi đâu chơi?”; trẻ sẽ hào hứng trả lời và cả nhà cùng trò chuyện vui vẻ với nhau.
Mẹo khuyến khích sự can đảm: Gợi ý cho trẻ nhận biết màu mắt của người đối diện. Giao tiếp bằng mắt giúp những trẻ ngại ngùng trở nên tự tin, chủ động hơn thay vì cứ ngồi chờ người khác quan tâm.
>> Xem thêm: Khi bé nhút nhát
Nhận ra những cảm xúc mạnh mẽ trong con: Nếu thỉnh thoảng con hay nổi giận, hãy chờ cơn khóc “ăn vạ” qua đi và hỏi “Con cảm thấy như thế nào?” hay “Con nghĩ mình nên làm gì để không bực mình như vậy nữa?”… Sau đó lắng nghe con tâm sự, con trẻ sẽ mau quên cơn thịnh nộ sau khi trò chuyện với bạn đấy!
Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Hướng dẫn con trở thành một công dân có trách nhiệm, biết giúp đỡ người khác và tham gia các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng để cảm nhận đầy đủ giá trị của bản thân.
Không nuông chiều khi trẻ tỏ ra ngang bướng: Hãy nhớ mỗi đứa trẻ là một kho báu, nhưng không phải là trung tâm của vũ trụ và muốn gì được nấy.
Giải thích cho trẻ hiểu thế nào là một người tốt: Thông qua các câu chuyện kể trước khi ngủ, bạn có thể hỏi con xem tính cách của nhân vật như vậy là tốt hay xấu và tại sao…
Truyền cảm hứng cho con về những giá trị quan trọng: Ví dụ như khi con cư xử tốt, chân thành, lễ phép và rộng lượng, con sẽ làm mọi người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Quan trọng hơn nữa, bản thân con cũng sẽ vui vẻ.
Mỗi buổi tối, tại bàn ăn các thành viên trong gia đình lần lượt kể về những người tốt bụng mà mình đã được gặp ngày hôm đó. Nghe có vẻ “sến” nhưng màn “báo cáo” này giúp mọi người nhìn lại cuộc sống một cách biết ơn và bao dung hơn.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.