Cách tổ chức lễ thôi nôi theo truyền thống

shape

31 Th10

Julia PhạmTh10 31, 2019

Cách tổ chức lễ thôi nôi theo truyền thống

Tuy nhiên, nếu muốn có một không gian thật ấm cúng và bạn muốn đây là một dịp trải nghiệm thú vị cho các thành viên trong gia đình thì việc tổ chức một lễ thôi nôi truyền thống cho bé là sự lựa chọn hoàn hảo.

1. Tổ chức lễ thôi nôi truyền thống mang lại điều gì?

Sự ấm cúng. Cảm giác này chỉ có được khi mẹ tổ chức lễ thôi nôi trong chính ngôi nhà thân thương, nơi bé sinh ra và đang từng ngày lớn lên. Thật tuyệt khi lễ thôi nôi đầu tiên và cũng là duy nhất của con cũng diễn ra ở chính tổ ấm của mình, mẹ nhỉ!

Sự linh thiêng, tốt đẹp. Tục lệ cúng bà mụ, đất đai thiên địa, thổ công, thổ chủ trong lễ thôi nôi với mong muốn mang lại cho bé mọi điều tốt đẹp là nét văn hóa đáng được giữ gìn. Bạn hãy mang sự linh thiêng và tốt đẹp này vào ngày “trọng đại” của bé.

“Mệt mà vui”. Nào là lên danh sách khách mời, thực đơn, viết thiệp, đi mời, nấu nướng, bài trí không gian, đón khách… rất nhiều việc nhưng đây sẽ là dịp để mọi thành viên trong gia đình có dịp trổ tài. Sau này con lớn, bạn có thể tự hào mà nhắc lại kỷ niệm trong ngày thôi nôi với con. Chẳng hạn như chuyện mẹ mải mê nấu nướng mà quên mất tiêu nhiệm vụ cho con bú, tới mức con phải khóc ré lên mẹ mới giật mình; chuyện bố bận rộn ở cơ quan, tối về đánh vật với xấp thiệp mời thôi nôi cho con mà ngủ gục trên bàn từ khi nào; chuyện cậu Tư, cô Út đua nhau xem ai thổi bong bóng nhanh hơn để trang trí trong bữa tiệc, kết quả là cậu Tư thắng nhưng chẳng ăn uống được gì vì đau cơ miệng… Quả là một lễ thôi nôi đáng nhớ! Từ đó bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà mọi người dành cho mình.

Tiết kiệm chi phí. Một trong những điều các mẹ quan tâm nhất khi tổ chức thôi nôi cho bé là chi phí. Tự đi chợ, tự nấu nướng, trang trí, không tốn khoản thuê mặt bằng… việc áp dụng chiêu “cây nhà lá vườn” giúp bạn giảm đáng kể phần chi tiêu mà vẫn mang lại một bữa tiệc ngon miệng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho mọi người.

2. Cách tổ thức tổ chức một lễ thôi nôi truyền thống

Chuẩn bị cho bữa tiệc

Chọn không gian thuận tiện. Bạn có thể đãi tiệc trong nhà hoặc ngoài trời (nếu nhà bạn có sân vườn). Lên danh sách khách mời để bố trí bàn ghế vừa vặn với không gian tổ chức.

Chuẩn bị hình ảnh từ lúc bé mới sinh ra đời cho đến hiện tại để trong album (sắp xếp theo tuần tự thời gian) đặt trên một chiếc bàn nhỏ xinh để bà con khách mời cùng chiêm ngưỡng.

Thiết kế thiệp mời và phát cho khách. Điều này cần thiết để buổi tiệc được đi dự đông vui.

Chọn hình làm backdrop (tấm màn căng sân khấu) giúp bữa tiệc thêm phần trang trọng và hoành tráng; không gian tiệc có thể trang trí bằng hoa hoặc bong bóng theo chủ đề với màu sắc và kiểu cách của từng gia đình.

Cách tổ chức lễ thôi nôi theo truyền thống

Thêm những chùm bong bóng đủ màu cho bữa tiệc vui mắt.

Chọn mẫu bánh kem thôi nôi theo tuổi của bé, ví dụ bé tuổi Heo sẽ có biểu tượng chú heo con trên chiếc bánh kem.

Trò chơi sẽ tăng thêm phần thú vị cho bữa tiệc. Hãy để người lớn và trẻ con cùng tham gia những trò đơn giản mà vui như: Đoán xem bé chọn gì, nhong nhong ngựa ông đã về, kéo cưa lừa xẻ, tập tầm vông, đóng kịch theo chủ đề… Dĩ nhiên bạn cũng nên chuẩn bị một món quà nhỏ dành cho người thắng cuộc trong các trò chơi nhé.

Nghi thức cúng – tục lệ theo dân gian

Theo quan niệm dân gian xưa, lễ cúng thôi nôi sẽ gồm những “thủ tục” sau đây. Tuy nhiên bạn có thể lược bỏ tùy theo… “nhu cầu” của mình nhé.

Ngoài lễ vật chè – xôi, vịt luộc cúng Mụ bà – Đức ông như trong lễ đầy tháng, còn có heo quay cúng đất đai diên địa, thổ công, thổ chủ.

Mâm cúng được bày ngoài sân, đầu hướng ra ngoài, đi kèm với heo quay còn có 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng lợn, rau sống, nhang, đèn, rượu, trà, hoa quả, trên lưng lợn quay gắn một con dao bén.

Trong nhà, bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng cửu huyền thất tổ và mâm cúng ông bà quá vãng (bao nhiêu bàn thờ, bấy nhiêu mâm cúng). Lễ vật là những thức ăn chín phù hợp với tập quán mỗi địa phương. Kế bên (trên bộ ván hoặc bộ vạt) bày 12 chén chè, xôi; con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tộ cháo cúng 12 Mụ bà và 3 Đức ông.

Cách tổ chức lễ thôi nôi theo truyền thống

Nghi thức dân gian cúng bà Mụ

Sau lời khấn cầu mong đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho bé mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan hiền, phù hộ cho gia đình ấm no hạnh phúc là màn “thử tài” thú vị dành cho bé.

Bé “thử tài”

Mẹ cần chuẩn bị: gương, lược, viết, tập sách, nắm xôi, tiền, kéo… tất cả vật dụng được bày trên bộ ván hoặc trên mâm.

Cách thực hiện: Đặt bé ngồi trước các vật dụng để bé tự lựa chọn. Vật nào được bé chọn trước (cầm trước) dân gian tin tưởng đó là sự chọn lựa của bé về nghề nghiệp tương lai cho mình.

Sau khi kết thúc nghi thức tử tài, khách mời thực hiện nghi thức chúc mừng và lì xì cho  bé.

Mẹ hãy bớt chút thời gian và cũng đừng ngại nhờ người thân, bạn bè giúp sức để bé có được những khoảnh khắc thiêng liêng, ấm áp và đáng nhớ trong lễ thôi nôi mang đậm nét đẹp truyền thống của mình nhé.

Nguyễn Dinh

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Julia Phạm

  • Julia Phạm Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc