Cần gì khi cho trẻ ăn dặm ở giai đoạn khởi đầu?
Vì dinh dưỡng là nền tảng cho sự phát triển trong những năm đầu đời, mẹ nên chú ý đến giai đoạn khởi đầu cho trẻ ăn dặm để con bước qua bước chuyển đổi dinh dưỡng này một cách suôn sẻ nhất.
Có rất nhiều lựa chọn để bắt đầu cho trẻ ăn dặm
Bước 1: Chọn phương pháp ăn dặm
Phương pháp ăn dặm là điều đầu tiên mà mẹ cần nghĩ tới. Khi cho trẻ ăn dặm, mẹ sẽ đứng trước rất nhiều phương pháp khác nhau, từ ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm kiểu truyền thống đến ăn dặm kiểu Nhật. Với mỗi phương pháp ăn dặm, bạn sẽ có cách tiến hành khác nhau và nhận được những kết quả khác nhau.
- Ăn dặm truyền thống: Thường bắt đầu khi bé tròn 6 tháng. Đi từ việc cho bé làm quen với gạo, các loại rau củ quả xay nhuyễn hoặc bột dinh dưỡng đến các loại thịt, cá. Thức ăn tăng dần độ thô, đặc. Trong quá trình ăn, mẹ đút cho bé. Kết quả: Bé thường được ăn đủ chất nhưng có thể gặp vấn đề về nhai, nuốt.
- Ăn dặm bé tự chỉ huy: Thường bắt đầu khi bé tròn 6 tháng. Đi trực tiếp đến bước cho bé ăn các thực phẩm dạng khối, thô. Trong quá trình ăn, bé sẽ tự chọn thưc phẩm để bốc hoặc xúc ăn. Kết quả: Bé không ăn được nhiều nhưng nhai nuốt thành thạo.
- Ăn dặm kiểu Nhật: Có thể bắt đầu sớm, từ khi bé tròn 4 tháng. Tương tự ăn dặm truyền thống nhưng sử dụng nguyên liệu và phương pháp nấu ăn kiểu Nhật. Kết quả: Bé thường được ăn đủ chất nhưng người mẹ rất mất thời gian chế biến thức ăn. Nhược điểm: Bé quen với khẩu vị Nhật và có thể không ăn nếu thiếu các món quen thuộc như rong biển, nước dùng dashi…
Bước 2: Tính toán lượng dinh dưỡng
Để có được khẩu phần ăn thích hợp cho trẻ ăn dặm, bạn cũng không nên bỏ qua vấn đề số lượng. Đối với trẻ mới tập ăn dặm lần đầu tiên, bạn chỉ cần chuẩn bị cho con khoảng 1/2 đến 1 thìa thức ăn là đủ. Bạn cũng đừng trông đợi rằng bé yêu sẽ hoàn tất bữa ăn này. Đặc biệt, với các bé tâp ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy, thường thì vài tuần đầu tiên chỉ dùng để liếm láp, nhay thức ăn và ném, giống một trò chơi hơn là ăn uống.
Lượng dinh dưỡng cho các bé từ 4-6 tháng trở lên như sau:
- 1-2 thìa bột dinh dưỡng hoặc thức ăn có độ đặc thích hợp, 2 lần mỗi ngày đối với trẻ 4-6 tháng.
- 1-2 thìa bột dinh dưỡng + 1-2 thìa rau/ trái cây nghiền, 2 -3 lần mỗi ngày đối với bé 6-8 tháng. Đây cũng là độ tuổi mẹ có thể giới thiệu các món từ động vật như thịt, trứng, cá cho bé. Lượng thịt cá trong mỗi bữa ăn thường giới hạn trong 1 thìa canh.
- 8 đến 11 tháng: 2 đến 3 thìa chất bột (cơm, khoai, cháo…) + 1 thìa thịt cá hoặc trứng+ 1-2 thìa rau hoặc trái cây, ngày 3 lần.
- Ngoài ra, đừng quên bổ sung thêm 1 thìa dầu thực vật như dầu nành, mè, hướng dương, gạo, olive vào khẩu phần ăn của bé. Bé rất cần các loại axit béo có lợi cho sự phát triển của bộ não đấy.
Mỗi bé có sức ăn khác nhau và điều quan trọng hơn cả là mẹ cần “lắng nghe” tiếng lòng con để biết bao nhiêu là đủ với bé. Nếu thấy con bắt đầu ăn chậm lại, ngậm thức ăn hay bắt đầu ném thức ăn, bạn nên dừng bữa ăn lại. Một lưu ý khác là ăn dặm chỉ là quá trình giúp bé làm quen với thực phẩm dạng đặc, rắn nên sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là phần chính của chế độ dinh dưỡng.
Thực đơn cho bé ăn dặm đúng cách
Thực đơn ăn dặm cho bé cần có đầy đủ các loại dưỡng chất để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cơ thể bé. Ngoài ra, thời kỳ này các bé cũng chưa phát triển hệ nhai nên bạn chú ý làm mềm thức ăn để bé dễ nuốt
Bước 3: Chọn lựa các món ăn thích hợp với độ tuổi
Để cho trẻ ăn dặm đủ dinh dưỡng, đồng thời giảm các nguy cơ như dị ứng, khó tiêu… bạn cũng cần chú ý chọn lựa loại thực phẩm thích hợp với độ tuổi của bé. Những thực phẩm từ gạo, yến mạch, gạo lứt nhìn chung là những lựa chọn “lành tính”, hầu như không gây dị ứng cho các bé mới bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên bạn cũng có thể bắt đầu việc cho trẻ ăn dặm với những loại rau củ, trái cây chẳng hạn như khoai tây, khoai lang, chuối. Dưới đây là một số lựa chọn lý tưởng để bắt đầu giai đoạn ăn dặm:
- Gạo
- Khoai lang
- Yến mạch
- Khoai tây
- Gạo lứt
- Chuối
- Táo
- Cà rốt
- Cà chua
- Đậu
- Bí đỏ
- Lê
- Quả bơ
Mẹ nên giới thiệu từng loại thực phẩm riêng rẽ trong mỗi lần ăn. Thứ nhất, cách này sẽ giúp bạn nắm bắt khẩu vị của cục cưng. Thứ hai, rất dễ kiểm chứng được loại thực phẩm nào gây dị ứng cho con.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.