Dạy con cách tiêu tiền hợp lý

shape

01 Th11

Cha Mẹ TốtTh11 01, 2019

Dạy con cách tiêu tiền hợp lý

10.000 đồng mua được gì?

Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để dạy con cách tiêu tiền hợp lý là phép so sánh. Bạn hãy cùng bé chơi trò “10.000 đồng mua được gì” bằng cách liệt kê tất cả những món đồ mà số tiền này sẽ mua được. Sau đó cùng thảo luận món nào nên mua, món nào không nên mua, bé thích món gì nhất, như thế nào là đắt, như thế nào rẻ,… Chơi trò này thường xuyên và nâng mức giá tiền lên cao hơn để giúp trẻ biết cân nhắc, chọn lựa những thứ thiết yếu khi chi tiêu.

Nuôi heo đất

Sao bạn và bé không cùng nhau lập kế hoạch heo đất để tiết kiệm tiền? Ví dụ, nếu bé thích một bộ đồ chơi mới, bạn và bé định giá món đồ đó và lên kế hoạch tiết kiệm tiền để mua. Mỗi ngày mẹ cho heo đất 5.000 đồng và con bỏ vào 2.000 đồng thì bao lâu sẽ đủ tiền mua món đồ đó chẳng hạn. Và nếu bé muốn có 2.000 đồng, bé phải cắt giảm chi tiêu như thế nào? Phải “hi sinh” nhu cầu gì cho những nhu cầu lớn hơn? Hoạt động này sẽ giúp bé nhận ra nhu cầu, sở thích thực sự của mình, hình thành thói quen tiết kiệm tiền cho những kế hoạch dài hạn.

Dạy con cách tiêu tiền hợp lý

Cùng bé nuôi heo đất để lập kế hoạch mua sắm hợp lý

Sẻ chia tiền bạc

Tiền bạc đáng quý nhưng cũng đáng để sẻ chia khi cần thiết. Dạy bé biết chia sẻ tiền bạc và giúp đỡ người khác bằng chính hành động của cha mẹ. Giúp đỡ những người cơ nhỡ khó khăn, quyên góp từ thiện và giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của những hoạt động này. Cho trẻ xem ảnh, videoclip về những hoàn cảnh trẻ em nghèo và cùng thảo luận sẽ làm gì để góp sức giúp các bạn ấy. Từ đó, bé hiểu thêm được giá trị của đồng tiền không chỉ đơn thuần là mua sắm vật dụng mà còn có thể tạo ra những điều tốt đẹp hơn thế nữa.

Trải nghiệm cảm giác lao động

Nếu trẻ muốn có tiền tiêu xài, tại sao bạn không nhân cơ hội này dạy cho trẻ bài học về giá trị của sức lao động bỏ ra để đổi lấy thành quả. Hãy “thuê” hoặc nhờ người quen “thuê” bé làm những việc nhỏ, vừa sức của mình như: gấp quần áo cho cả nhà, xếp khăn giấy, chơi cùng và chăm nom bé nhỏ hơn nhà hàng xóm, giúp nhổ cỏ trong vườn, đặt hàng bé vẽ tranh theo một chủ đề nào đó… Việc này vừa có thể giúp bé hiểu hơn về giá trị lao động cũng như biết quý trọng tiền hơn do bé phải bỏ công sức làm ra. Tuy nhiên, không nên áp dụng phương pháp này quá thường xuyên vì bé có thể sẽ hiểu rằng việc gì cũng phải được trả công và thiếu tinh thần giúp đỡ người khác. Chỉ nên thực hiện trong ngày chủ nhật hoặc dịp gì đặc biệt và đó nên là những công việc bé ít khi làm.

Và những điều cần tránh

Tránh tối đa việc cha mẹ để tiền trong hộc tủ, túi xách hay những nơi bé có thể lấy dễ dàng để mua quà vặt. Cha mẹ khi cho tiền con chỉ nên đưa trực tiếp cho trẻ, tránh câu cửa miệng: “Con vào trong túi xách của cha/mẹ mà lấy”. Việc này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần trẻ sẽ không còn xin phép nữa vì trong suy nghĩ non nớt, trẻ đã xem việc đó là hiển nhiên khi có nhu cầu cần xài tiền.

Tránh thể hiện thái độ xem nhẹ đồng tiền trước mặt trẻ. Chẳng hạn như những câu nói giữa người lớn với nhau: “Chỉ có vài trăm/ vài triệu lẻ thôi mà, có đáng gì đâu” không nên thể hiện trước mặt trẻ. Nếu cha mẹ không xem trọng thành quả lao động là tiền bạc thì con cái cũng sẽ tiêu tiền bừa bãi.

PN.

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc