Dạy con tập nói: Từ lọt lòng đến 3 tuổi

shape

31 Th12

Cha Mẹ TốtTh12 31, 2019

Dạy con tập nói: Từ lọt lòng đến 3 tuổi

Từ khi sinh đến 3 tháng

Bé con được sinh ra để lắng nghe. Trong những tháng đầu đời, bé sẽ tập làm quen với những ồn ào của môi trường xung quanh như tiếng chó sủa, tiếng xe cộ, tiếng TV, tiếng nói của ba mẹ… Những âm thanh đầu tiên mà bé tạo ra là tiếng khóc. Không lâu sau đó, khoảng 3 tháng tuổi, bé bắt đầu tạo ra những âm thanh đa dạng hơn, thường là những nguyên âm như a, e, tiếng ậm ự. Ngay từ tuần thứ 4 bé đã biết phân biệt những âm thanh khác nhau như “ha”, “na”. Khi được 2 tháng, bé đã biết phân biệt cử động môi của ba mẹ khi bạn nói với bé những âm thanh khác nhau.

Sẽ còn khá lâu để bạn có thể dạy bé cách phát âm, nhưng ngay từ giai đoạn này, bạn cũng đã cần phải trò chuyện nhiều với con. Hãy nhìn thẳng vào mắt bé và nói thật rõ, thật chậm và để bé nhìn thấy cách bạn cử động đôi môi.

4 đến 6 tháng

Bé bắt đầu bập bẹ được những bạn bắt đầu nghe được những phụ âm đầu tiên, như “g” hay “k”, “m”, “p”… Bé biết chú ý đến những âm thanh quen thuộc như “ba”, “mẹ”. Nếu bạn thường xuyên nói với bé những từ quen thuộc như “chào”, “lêu lêu” thì bé cũng đã có thể nhận biết từ khi được 4 tháng rưỡi. Đó là những manh mối đầu tiên để con khám phá ra cách để nói được một câu trong thời gian tới. Đến 6 tháng, bé cũng sẽ nhận biết tên gọi của mình.

Để giúp con thực hành trong giai đoạn này, bạn có thể nói từng từ đơn lẻ, lặp đi lặp lại. Bé sẽ tìm cách bắt chước những âm thanh đó. Đừng chọn những từ quá khó mà nên luyện tập với các nguyên âm, phụ âm. Khi gọi tên bé, bạn thử để ý xem con đã biết quay lại chưa nhé.

>> Xem thêm:

  • Phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp trong năm đầu đời

7 đến 12 tháng

Những thanh âm đầu tiên của bé đã giống với những từ có nghĩa. Bạn sẽ nghe bé lặp đi lặp lại một từ nào đó như “ba ba”, “cha”, “ư pà”… suốt cả ngày mà không biết chán. Đến 9 tháng, bé còn biết dùng cử chỉ để bày tỏ nguyện vọng, đưa bàn tay ra trỏ về thứ mà bé muốn lấy. Ở tháng thứ 10, bé kiểm soát tốt hơn cách phát âm của mình. Từ có nghĩa đầu tiên mà con nói được sẽ xuất hiện trong khoảng tháng 12. Những từ đầu tiên đó thường là “bà”, “ba”, “mẹ” hoặc từ chỉ những sự vật quen thuộc với bé như “gà”, “sữa”…

Bé đã có thể hiểu được một số cụm từ và rất chú ý đến ngữ điệu. Nếu bạn trả lời bằng giọng cứng rắn và to tiếng hơn bình thường, bé sẽ hiểu thế có nghĩa là “không” hay “ngừng lại”.

Với sự phát triển nhanh chóng khả năng hiểu và phát âm trong giai đoạn này, bạn có thể lặp đi lặp lại với con những từ có hai âm, nói một câu ở nhiều tông cao, thấp và hát cho bé nghe để giúp con nắm vững hơn về thanh điệu.

13 đến 18 tháng

Ngay khi nói được từ đầu tiên, bé sẽ bắt đầu mở rộng kho từ vựng của mình. Việc này sẽ bắt đầu khá chậm, chỉ vài từ mỗi tháng. Trẻ thường thích những danh từ hơn, sau đó mới đến các động từ và tính từ. Mỗi từ bé nói lúc này có thể tương ứng với một câu. Ví dụ, khi nói “bánh” thì đó có nghĩa là “mẹ cho con ăn bánh”. Một từ mà bé cực kỳ yêu thích lúc này là “không” (tuy nhiên bé có thể không phát âm rõ mà nói thành “hông”), nên mẹ đừng cho là con cứng đầu nhé. Bé đang học cách bày tỏ quan điểm của mình, hoặc cũng có thể trả lời “không” chỉ vì bé thích từ này.

Bé có thể hiểu được nhiều từ ngữ hơn những gì bé nói ra. Hơn nữa, lúc này bé đã phân biệt được trật tự câu. Ví dụ, bé biết là “Ba làm rơi cái ly” thì khác với “Cái ly làm rơi ba”. Bé cũng biết làm theo những hướng dẫn đơn giản. Trò chơi ngôn ngữ sẽ trở nên thú vị hơn vì bạn đã có thể thực hành với bé những cụm từ và câu ngắn.

19 đến 24 tháng

Đây là một giai đoạn “bùng nổ”. Sau một thời gian khá dài bé chỉ nhích được từng ít một trong vốn từ vựng của mình, giờ đây mẹ sẽ thật phấn khích khi con có thể nhớ được tới 9 từ mới mỗi ngày. Sự bùng nổ này sẽ khiến mẹ “bị quấy rầy” mọi lúc mọi nơi với câu hỏi “cái gì vậy”. Ở tuổi này, bé cũng sẽ mắc những lỗi hết sức đáng yêu trong việc sử dụng từ ngữ. Đối với bé, tất cả những thứ hình tròn đều là quả banh, hình hộp chữ nhật nào cũng là “gạch”. Bé cũng bắt đầu hứng thú hơn với những động từ.

Ở tuổi này, bé hiểu rằng bạn chính là chiếc chìa khóa ngôn ngữ của mình. Chính vì thế, mọi từ bạn nói ra đều được bé lắng nghe và lặp lại. Do đó, bạn nên tìm cách để con có thể học được lối nói chuyện nhã nhặn, dễ gây thiện cảm. Tuyệt đối tránh tức giận, cãi vã hay chửi bậy trước mặt bé vì bé sẽ dễ học theo những từ ngữ này.

>> Xem thêm:

  • Trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi: Phát triển ngôn ngữ và hành vi của trẻ

25 đến 36 tháng

Ở tuổi lên 3, con bạn bắt đầu lắp ghép tất cả những gì bé học được lại với nhau. Bé sẽ đặt câu hỏi với những từ như cái gì, ở đâu, làm sao… và hiểu rằng “không” có thể là “đừng làm”, “dừng ngay”, “không có”… Những động từ như “biết”, “nghĩ” đã trở nên quen thuộc với con. Bé kiểm soát được môi, lưỡi thành thạo và bắt đầu tạo ra những âm thanh khó như “ph”, “th”, “r”, “tr”. Thậm chí đến cuối năm thứ 3, bé đã có thể hát trọn một bài hát ngắn hay kể một câu chuyện ngắn.

Lúc này, bạn có thể cùng con đọc thơ, hát để bé luyện tập cách nói các câu. Nếu bé nói sai ngữ pháp, bạn có thể lặp lại câu chính xác, nhấn mạnh từ bé bị sai để bé ghi nhớ cách dùng từ đúng. Chẳng hạn, khi con nói “Con muốn ăn sữa” thì bạn có thể đáp lại “Con muốn uống sữa hả, chờ mẹ một tí”.

Luôn ghi nhớ rằng, bé có thể hiểu nhiều hơn những gì bé nói. Vì vậy, bạn cứ trò chuyện thật nhiều với con, bé sẽ phát triển khả năng nói của mình thật nhanh chóng.

MarryBaby

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc