Để trẻ học từ thực tế

shape

01 Th11

Martin NguyenTh11 01, 2019

Để trẻ học từ thực tế

Cho trẻ tự trải nghiệm khi phạm lỗi

Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng học hỏi được rất nhiều từ những trải nghiệm và va vấp. Hãy tạo điều kiện cho con bạn được hòa mình vào những sinh hoạt tập thể. Từ đó, bé sẽ tự động học được rất nhiều cách xử thế thông thường. Chẳng hạn, nếu chẳng may bé có tính ích kỷ chỉ muốn giữ khư khư đồ chơi của mình thì khi bị “bo-xì” vài lần sẽ làm cho bé hiểu ra vấn đề rằng góp đồ chơi chung sẽ vui hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, phương pháp này sẽ là con dao hai lưỡi nếu bạn không chú ý quan sát sự tự trải nghiệm của bé và có biện pháp ngăn chặn những hành vi sai trái lâu ngày sẽ thành cố tật khó sửa như không được cho chơi chung thì bé sẽ đánh và làm bạn sợ để được cùng tham gia.

Giải thích, giải thích và giải thích

Nếu có giải thưởng dành cho đối tượng hỏi nhiều nhất câu “Tại sao” thì các trẻ nhỏ chắc chắn sẽ giành giải quán quân. Người lớn chúng ta thường có thói quen lờ đi những câu hỏi của trẻ mà chúng ta thường cho là vô nghĩa như, “Tại sao siêu nhân lại mặc quần lót ở ngoài?”, “Tại sao bạn A giỏi hơn bạn B mà cô giáo không khen bạn A là tài ba còn bạn B là tài một?”, “Tại sao con phải chào bác C trong khi bác ấy không chào lại con?” Đừng làm ngơ trước bất kỳ sự thắc mắc nào của con vì chỉ khi bạn thỏa mãn và làm cho bé hiểu rõ vì sao phải làm thế này và tại sao không nên làm thế kia thì bé mới ngoan ngõan làm theo lời bạn. Nên nhẹ nhàng làm cho trẻ dần hiểu ra, “Lời chào thể hiện sự lịch sự của mỗi người. Nếu ai không chào người khác thì người đó có thể do quá bận hoặc do họ chưa lịch sự và chưa tốt. Những người tốt thường chỉ thích chơi với những người tốt khác thôi. Con có thích chơi với bạn xấu không?”

Để trẻ học từ thực tế

Kiên nhẫn giải thích đến cùng cho con những điều nên làm và những điều nên tránh.

Góp ý, không la mắng

Điểm cấm kỵ nhất trong cách dạy con là la mắng và làm trẻ mất mặt trước người khác. Tuy còn nhỏ nhưng không vì thế mà “cái tôi” trong trẻ chưa hình thành. Bố mẹ chỉ nên góp ý tùy theo mức độ từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc. Khi trẻ ăn uống xô bồ hoặc nói năng không được vừa ý, đừng tỏ thái độ mắng nhiếc trẻ ngay chốn đông người. Chúng sẽ vô cùng xấu hổ và để lại vết thương hằn sâu trong tâm hồn trẻ. Bạn nên kìm cơn tức giận và cũng đừng tỏ thái độ nặng nhẹ với trẻ. Cứ kiên nhẫn chờ khi trở về nhà, lúc đó bạn có phê bình và chỉ dạy lại cách ăn nói, ăn uống cho trẻ vẫn chưa muộn. Và cũng đừng quên kèm lời giải thích vì sao con nên làm thế này và tuyệt đối không nên làm thế kia.

Khen ngợi – đừng tiếc lời

Nếu bạn nên kiệm lời mắng nhiếc trẻ chốn đông người thì đừng hà tiện lời khen với trẻ mỗi khi bé vâng lời hoặc xử sự đúng đắn nơi công cộng. Nhiệt tình khen ngợi khi “Ôi con mẹ biết nhặt rác bỏ vào thùng giỏi quá” hay hài lòng ôm và hôn con, “Cu Tí nhà mẹ biết ngăn bạn không bẻ cây, hái hoa rất đáng khâm phục nghen”

Trong rất nhiều bài viết khác dành cho những chủ đề giáo dục trẻ con khác, yếu tố bố mẹ làm gương luôn đựơc nhắc đi nhắc lại và sẽ còn được nhắc mãi bởi đây chính là bài học sinh động nhất cho bất kỳ đứa trẻ nào. Những gì trẻ hành xử ngày mai chính là bản sao của những việc mà bố mẹ chúng đang làm hôm nay. Do đó, bí kíp cuối cùng mà người viết muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh chỉ gói gọn trong hai từ vỏn vẹn: Làm Gương.

Chúc bạn luôn đựơc mọi người trầm trồ, “Sao bé con của bạn ngoan thế!”

Trang Vàng

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Martin Nguyen

  • Martin Nguyen Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc