Kết hợp món ăn cho bé ăn dặm: Tưởng khó mà dễ!
Ăn riêng rẽ từng món sẽ giúp bé cảm nhận triệt để mùi vị của từng loại thức ăn, nhưng việc kết hợp món này với món khác sẽ giúp đa dạng bữa ăn, cho bé ăn dặm ngon miệng và hào hứng hơn.
Ban đầu, mẹ có thể thử kết hợp một vài thực phẩm “lành tính” như táo, lê, khoai lang để thử nghiệm. Sau đó, có thể thử với nhiều loại thực phẩm khác nhau khi bé đã quen dần. Thậm chí, nếu đó là một sự kết hợp ngược đời hoặc chưa từng thử bao giờ, mẹ cũng đừng ngần ngại nhé! Thực tế, so với vị giác của người lớn, vị giác của trẻ em thường “dễ tính” hơn rất nhiều, bởi lúc này, bé vẫn chưa phân biệt được món nào ngon hơn món nào. Quan trọng nhất, bạn nên tìm hiểu và đảm bảo rằng các loại thực phẩm kết hợp sẽ phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của bé.
Lưu ý chọn món phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của bé khi kết hợp món ăn, mẹ nhé!
Nguyên tắc “4 ngày chờ đợi”
Để hạn chế nguy cơ dị ứng thực phẩm cho bé, mẹ nên bắt đầu kết hợp những loại thực phẩm bé đã từng ăn qua ít nhất 1 lần. Nếu không có vấn đề gì, bạn có thể thử kết hợp thêm một vài thực phẩm mới. Chẳng hạn, một khi bé đã thử táo và bí đỏ, lần sau mẹ có thể kết hợp thêm một loại thực phẩm mới nào đó. Nếu chẳng may bé bị dị ứng thì chúng ta có thể biết được thủ phạm của sự cố này là ở thực phẩm mới. Tốt nhất, khi thử món mới, bạn nên chờ từ 3-4 ngày để kiểm tra xem liệu bé có bị vấn đề khó chịu nào không.
Một số gợi ý kết hợp thực phẩm cho bé ăn dặm
Với các bé trong giai đoạn đầu ăn dặm, mẹ có thể thử các lựa chọn sau đây:
– Bí đỏ và khoai lang xay nhuyễn
– Bí đỏ, táo và khoai lang xay nhuyễn
– Đậu cove, táo và lê xay nhuyễn
– Ngũ cốc táo: Xay nhuyễn nước sốt táo với bột yến mạch hay ngũ cốc gạo
– Ngũ cốc bí đỏ: Xay nhuyễn bí đỏ với yến mạch hay ngũ cốc gạo
– Hỗn hợp bơ chuối: Xay nhuyễn bơ và chuối rồi ăn trực tiếp hay pha chung với bột ngũ cốc
– Hỗn hợp táo lê: Xay nhuyễn táo và lê rồi ăn trực tiếp. Món này sẽ ngon hơn khi được nấu chín
– Hỗn hợp bí đỏ chuối: Xay nhuyễn bí đỏ và chuối
– Hỗn hợp bí đỏ, chuối và táo: xay nhuyễn bí đỏ, chuối và táo/nước sốt táo
Một số món kết hợp cho giai đoạn 8-10 và 10-12 tháng:
– Bí đỏ, khoai lang và quế
– Đậu cove và khoai tây: Xay nhuyễn đậu và khoai tây chung với nhau rồi thêm một ít nước sốt lê hay táo
– Đậu hầm: Trộn các loại đậu cùng cà rốt và nước sốt táo, gạo hay yến mạch và sữa chua
– Cà rốt hầm: Trộn táo và cà rốt với gạo, yến mạch và sữa chua
– Bánh khoai lang: Trộn khoai lang, yogurt, ngũ cốc và một ít bột quế rồi rắc hỗn hợp ngũ cốc (loại dùng để ăn cùng sữa tươi) nghiền nhỏ lên trên mặt bánh
– Bánh kem táo: Kết hợp ngũ cốc, sữa chua và nước sốt táo cùng với một chút quế và dùng ngũ cốc (loại ăn sáng với sữa) nghiền nhỏ rồi rắc lên trên mặt bánh
– Bánh bí đỏ: Xay nhuyễn bí đỏ với ngũ cốc, sữa chua cùng với một chút quế và dùng ngũ cốc (loại ăn sáng với sữa) nghiền nhỏ rồi rắc lên trên mặt bánh
– Sữa chua thập cẩm: trộn việt quất, táo và lê với nhau, cho yogurt vào rồi dùng ngũ cốc (loại để ăn sáng với sữa) nghiền nhỏ rắc lên trên mặt
– Bữa tối cùng gà hoặc bò: Ngoài phần thịt gà hoặc bò xay nhuyễn, mẹ có thể thêm táo, bí đỏ, khoai lang, cà rốt hoặc bất kỳ loại rau nào đã từng cho bé nếm thử
– Bữa tối cùng đậu hủ: Đậu hũ xay nhuyễn có thể ăn chung với nước sốt táo và bí đao hoặc bơ và lê.
Thực đơn cho bé 2 tuổi: Cẩn thận khi kết hợp món ăn
Để đảm bảo sự đa dạng trong thực đơn cho bé 2 tuổi, 3 tuổi, mẹ không ngại kết hợp món này với món kia để giúp bé cảm thấy hào hứng với chuyện ăn uống hơn. Tuy nhiên, mẹ có biết không phải sự kết hợp nào cũng an toàn. Một sai sót nhỏ trong dinh dưỡng cũng có thể gây hại cho sức khỏe của con.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.