Không tiêm vắcxin để 'thuận theo tự nhiên' là tội ác với trẻ nhỏ
Trong một buổi tư vấn trực tuyến trên VnExpress.net gần đây, phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã trả lời rất nhiều câu hỏi về an toàn của việc tiêm chủng vắcxin ComBE Five.
Ngoài ra hai chuyên gia còn lại là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng quản lý tiêm chủng và an toàn sinh học – Cục Y tế dự phòng; và Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đã tham gia buổi tư vấn.
Những biểu hiện cho thấy bé cần nhập viện kiểm tra sau khi tiêm vắc xin
Chị Lê Thị Thủy Tiên, (32 tuổi, Mỏ cày, Bến Tre) hỏi: Những biểu hiện cần đến bệnh viện ngay khi tiêm vắcxin cho bé, và thời gian cần thiết phải đến bệnh viện là bao lâu vì nhà mình xa bệnh viện, cám ơn bác sĩ.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:
Sau tiêm ComBE Five bé sẽ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà chúng ta cần phải theo dõi các biểu hiện trẻ đau tại nơi tiêm, quấy khóc, bé bị sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn bú, nôn trớ, khó thở.
Khi có các biểu hiện như sốt trên 38 độ 5, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa bé đến cơ sở y tế và đặc biệt các dấu hiệu như quấy, bỏ bú, khó thở, tím tái thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Thông thường các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi bé kể cả trong khi ngủ.
Anh Phạm Thanh, (32 tuổi, Hà Nội):Hôm qua em có cho cháu đi tiêm vắcxin comBe five. Cháu được 6 tháng tuổi.
Khi tiêm xong về tầm chiều cháu có hiện tượng thở mạnh hơn mọi khi, bú bình sữa xong là cảm thấy thở mạnh hơn, nhưng không bị tím tái, cháu hơi bị sốt, người mệt lả chẳng cười nói gì.
Như vậy thì cháu nhà mình có bị làm sao không ạ, có phải đó là phản ứng phụ của thuốc không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng quản lý tiêm chủng và an toàn sinh học – Cục Y tế dự phòng:
Vắc xin comBe five phòng được các bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong thành phần vắc xin comBe five có thành phần ho gà toàn tế bào, cũng như các vắc xin khác.
Sau khi tiêm chủng vắc xin, trẻ có thể có những biểu hiện sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm và quấy khóc. Theo mô tả của bạn, cháu nhà bạn không bị tím tái, như vậy đây là phản ứng thông thường sau khi tiêm chủng.
Tuy nhiên, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ nhiều hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Khi trẻ sốt, li bì hoặc tím tái cần thông báo cho cán bộ y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng quản lý tiêm chủng và an toàn sinh học, Cục Y tế dự phòng.
Chị Hà Anh (30 tuổi, TP.HCM): Chào bác sĩ, những biểu hiện nào được coi là phản ứng nặng, phản ứng nhẹ sau tiêm vắcxin?
PGS.TS Trần Minh Điển:
Với tiêm vắcxin ComBEfive, các phản ứng nhẹ là: sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, sưng nề tại vị trí tiêm. Các phản ứng này thường hết sau 1-3 ngày, cần cho trẻ uống nước, bú mẹ đầy đủ, và theo dõi tiếp.
Các dấu hiệu nặng như trẻ quấy khóc dai dẳng, khó thở, thở ậm ạch, bỏ bú, sốt trên 39 độ, không đáp ứng với thuốc hạ nhiện, da nổi vân tím, chi lạnh, nôn chớ, co giật. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, không tự ý dùng thuốc.
Có nên không tiêm vắc xin cho trẻ để tránh nguy hiểm
Anh (Hà Minh Nhật, 24 tuổi, Thanh Hóa): Trẻ nếu có tiền sử dị ứng thì có nên tiêm phòng không thưa bác sĩ? Có cách nào phòng bệnh cho trẻ mà không tiêm vắc xin cho trẻ được không ạ?
Có các biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trong thời gian chờ tiêm vắc xin không?
PGS.TS Trần Minh Điển:
Trẻ có tiền sử dị ứng với thời tiết hay bụi nhà,… thì không có chống chỉ định với tiêm vắc xin. Tuy nhiên, với các trường hợp dị ứng thuốc mạnh, thì cần phải đến các cơ sở y tế lớn có đủ điều kiện sàng lọc và theo dõi.
Hiện, nay có nhiều bệnh viện nhi và sản nhi có phòng tiêm chủng, có thể đưa bé đến tiêm cho an toàn. Tiêm phòng cho trẻ không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân của trẻ mà còn tạo kháng thể chống bệnh tật tốt cho cả cộng đồng.
Các bệnh tật đã có vắc xin phòng bệnh thì vẫn nên tiêm phòng cho cháu.
Với trẻ dưới 1 tuổi, các nguy cơ mắc nhiều bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, do hệ miễn dịch còn non yếu. Trong nhóm tuổi này lại cần phải tiêm chủng nhiều.
Do vậy, bạn cần chú ý phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp như vệ sinh mũi sạch sẽ, tránh đưa con ra đi ngoài nhiều khi thời tiết thay đổi, nơi ô nhiễm môi trường, nơi đông người.
Còn phòng các bệnh đường tiêu hóa, bạn cần cho con ăn chín uống sôi, vệ sinh tay chân sạc sẽ, kiểm soát các chất xuất tiết như phân, nước tiểu, chất nôn.
Chị Trần Thị Phương (31 tuổi, TPHCM): Hiện nay nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm vắc xin vì muốn thuận theo tự nhiên. Theo bác sĩ có nên cho con đi tiêm phòng không?
PGS.TS Trần Minh Điển:
Hiện nay có một số ít các bà mẹ sử dụng cụm từ “thuận theo tự nhiên”, chúng ta cần phải hiểu thuận theo tự nhiên như thế nào? Ví dụ như cho con bú mẹ và bú trực tiếp trên bầu sữa mẹ là thuận theo tự nhiên.
Tuy nhiên, lịch sử y học đã giúp cho tuổi thọ tăng hơn, tỷ lệ trẻ sinh ra sống tăng lên, tỷ lệ tử vong trẻ giảm xuống dựa vào những thành tựu của y học hiện nay, trong đó sáng chế ra các vắc xin là những thành tựu cực quan trọng.
Dựa vào vắc xin chúng ta đã thanh toán được rất nhiều bệnh mà những bệnh này đã gây đại dịch trên thế giới ví dụ như bệnh đầu mùa.
Do vậy, sống vừa thuận theo tự nhiên, những điều đúng đắn, phần khác chúng ta hãy cho con của mình được hưởng những thành tựu của y học để con sống khỏe hơn.
Bạn có thể đến thăm những em bé bị ho gà, hay sởi, hiện đang nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hỏi các bà mẹ con mình tiêm phòng hay không thì sẽ hiểu được không tiêm vắc xin cho trẻ sẽ nguy hiểm thế nào.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Mức độ an toàn của vắc xin ComBe Five hiện nay
Cô Thanh Mai, (50 tuổi, Thanh Hóa): Khác nhau giữa ComBe Five và Hexaxim là gì thưa các bác sĩ? Nếu có điều kiện để chọn, tôi nên chọn loại nào cho con?
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền:
Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib, bại liệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, các bệnh này đều được phòng bệnh hiệu quả nhờ tiêm chủng văcxin.
Hiện nay, có nhiều loại văcxin phòng các bệnh này trên thế giới. Tại Việt Nam, văcxin ComBe Five để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib cho trẻ dưới 1 tuổi, với lịch tiêm chủng như sau:
- Mũi 1 lúc 2 tháng tuổi
- Mũi 2 lúc 3 tháng tuổi
- Mũi 3 lúc 4 tháng tuổi
Ngoài ra, các bé cần tiêm chủng văcxin bại liệt đồng thời.
Văc xin 6 trong 1 Hexaxim có thêm thành phần bại liệt nên các bé không cần uống thêm văcxin bại liệt. Do vậy, nếu có điều kiện, bạn có thể lựa chọn một trong hai loại văcxin này vì chúng có hiệu quả phòng bệnh tương đương nhau.
Văcxin 6 trong 1 có thành phần ho gà vô bào nên tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ thấp hơn văcxin ho gà toàn tế bào. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng như sốc, co giật, tím tái… của hai loại văcxin này là tương đương nhau.
Anh Sơn (33 tuổi, Vĩnh Phúc):Bác sỹ cho em hỏi, hai loại văcxin Quinva xem và ComBe Five thì loại nào có chất lượng tốt hơn ạ? Vì sao ComBe Five lại có phản ứng thuốc nhiều như vậy?
Và tiêm ComBe Five vào thời gian nào cho bé là tốt và an toàn nhất? Bé tiêm muộn so với thời gian chỉ định của y tế liệu có ảnh hưởng không? Cảm ơn bác sĩ ạ!
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền:
Văcxin Quinvaxem và văcxin ComBe Five là văcxin 5 trong 1 để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng phổi/viêm màng não do Hib trước một tuổi.
Hai văcxin này có thành phần, hiệu quả phòng bệnh, tính an toàn, lịch tiêm chủng tương đương nhau. Nếu cháu bé đã tiêm hai mũi văcxin Quinvaxem thì cháu có thể tiêm mũi ba với văcxin ComBe Five.
Văcxin Quinvaxem được sử dụng hơn 40 triệu liều trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2010. Văcxin ComBe Five mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng từ tháng 10/2018. Theo thông báo của Tổ chức y tế thế giới, hai văcxin này đều đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định và an toàn.
Văcxin ComBe Five đã được sử dụng với trên 400 triệu liều tại 43 quốc gia trên thế giới. Bạn có thể cho con tiêm văcxin ComBe Five vì hiện nay, văcxin Quinvaxem tạm ngừng sản xuất.
Việc tiêm chủng đúng lịch là cần thiết song những bé tiêm muộn thì cần tiêm các mũi tiếp theo càng sớm càng tốt mà không phải tiêm nhắc lại các mũi trước đó.
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Lê Nguyên (29 tuổi, Bình Dương): Những trường hợp tiêm vắc xin về bị tím tái, tại sao các chuyên gia lại không cho rằng lỗi tại vắc xin? Xin hãy đi dẫn chứng cụ thể, giấy tờ và hình ảnh chứng minh, nguồn gốc của giấy tờ chứng minh đó.
Tiêm vắc xin mới đã được kiểm chứng rõ ràng hay chưa mà đưa vào sử dụng đại trà? Cơ sở để người dân tin tưởng. Nếu cứ xảy ra tình trạng như hiện nay thì chuyện phụ huynh không tiêm vắc xin cho trẻ là điều tất nhiên?
PGS.TS Trần Minh Điển:
Vắc xin Com Befive do công ty Bioligical, Ấn Độ sản xuất. Vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 2012, tính đến nay đã có hơn 400 triệu liều vắc xin này được sử dụng ở 43 quốc gia.
Vắc xin đã được sử dụng ở thực địa tại 4 huyện ở Hà Nam năm 2016. Sau tiêm chủng ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện ở ngày thứ nhất bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm như đau, đỏ từ 5-15%, sốt với 34-39%.
Nhằm rút kinh nghiệm triển khai trên toàn quốc, vắc xin này đã được triển khai trên 60 huyện ở 7 tỉnh là Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu vào tháng 11/2018.
Tổng số trẻ được tiêm là hơn 17.000. Các phản ứng thông thường cũng được ghi nhận là sốt, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc. Một số trường hợp sốt cao, chỉ có 3 trường hợp phản ứng nặng (2 sốt cao co giật, 1 phản ứng phản vệ).
Các trường hợp này đều được xử lý kịp thời và không có tử vong. Do vậy, về nguồn gốc vắcxin có chất lượng đảm bảo đã được sử dụng an toàn tại 7 tỉnh trước khi tiêm chủng trên toàn quốc.
Có một số trường hợp nặng như sốt cao, tím tái trong thời gian vừa qua đều được cha mẹ đưa đến cơ sở y tế và được các bác sĩ xử lý kịp thời.
Kim Hải (29 tuổi, Tiền Giang):Phụ huynh có biết đây là vắc xin mới và chưa được kiểm nghiệm để tiêm trên con mình không thưa bác sĩ? Vắc xin mới được thử nghiệm trong bao lâu và có kiểm tra thể chất của các bé đã tiêm trong thời gian bao lâu ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Vắc xin comBe five do công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất và được tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định từ năm 2012. Tính đến nay, có trên 400 triệu liều đã được sử dụng ở trên 40 quốc gia.
Nhiều nước đã đưa vắc xin này vào tiêm chủng mở rộng như Philippines… Vắc xin này đã được thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ năm 2017.
Tất cả các lô vắc xin trước khi đưa vào sử dụng đều được viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm tra chất lượng toàn diện.
Trước khi đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế đã triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh để tiêm cho trên 17.000 trẻ trong tháng 10 và tháng 11. Đến nay đã cấp phát và triển khai tiêm khoảng 15 tỉnh với khoảng 80.000 trẻ được tiêm.
Cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc tại một số tỉnh, thành phố và các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi xử trí.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào trong đó có comBe five sốt 38, 39 độ chiếm tới 44,5%; phản ứng sưng chiếm 38,5%; đau 25,6%; nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%; các phản ứng khác như khóc kéo dài là 3,5%.
Bé bị phản ứng sau tiêm vắc xin mới, mẹ bỉm sữa dậy sóng mạng xã hội
Cuối tháng 12-2018, Bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vắc xin mới là vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) thay thế vắc xin Quinvaxem. Hiện nay trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin bé bị phản ứng sau tiêm vắc xin rất đáng lo ngại.
Hà Trần (33 tuổi, Lâm Đồng): Vacxin ComBE Five đã được sử dụng ở những địa phương nào, sau tiêm chủng có cháu nào bị phản ứng nặng không? Tôi ở Lâm Đồng hiện có vacxin này chưa?
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền:
Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai trên quy mô toàn quốc từ tháng 12/2018. Đến nay, đã có khoảng 70.000 trẻ được tiêm chủng văcxin ComBE Five tại 12 tỉnh triển khai tiêm.
Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc…)
Ngoài ra còn ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,0-5,5%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Trong thời gian triển khai vắc xin mới, cán bộ y tế hướng dẫn chi tiết cho cha mẹ về cách chăm sóc trẻ, theo dõi trẻ sau tiêm chủng và thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng bất lợi.
Các trường hợp phản ứng thông thường được báo cáo trong thời gian vừa qua là tín hiệu cho thấy các bậc cha mẹ quan tâm hơn tới sức khỏe con mình sau tiêm chủng.
Riêng tại tỉnh Nam Định, có hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 đến 48 tiếng. Hai trẻ đều được khám sàng lọc và tiêm vắc xin ComBE Five, uống vắc xin bại liệt tại trạm y tế.
Sau tiêm được theo dõi 30 phút tại trạm đúng qui định và không có biểu hiện bất thường. Khi về nhà, trong vòng một đến hai ngày trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế.
Sang ngày hôm sau, gia đình thấy trẻ tím tái, khó thở nên đưa cháu đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện hai cháu đã tử vong.
Sở Y tế Nam Định đã khẩn trương tiến hành điều tra các trường hợp này và họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân.
Hội đồng đã có kết luận hai trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân, không nghĩ đến phản ứng phản vệ nặng sau tiêm vắc xin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng.
Trường hợp của bạn có thể liên hệ với trạm y tế xã, phường gần nhất để được biết lịch tiêm chủng cụ thể của địa phương nơi bạn sinh sống.
Qua các câu trả lời từ chuyên gia, có thể thấy vắc xin ComBE Five có tính an toàn cao, các bộ phụ huynh nên an tâm và không nên có suy nghĩ không tiêm vắc xin cho trẻ để đảm bảo an toàn.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.