Làm gì khi bé chậm nói?
MarryBaby sẽ giúp bạn tìm hiểu nhiều nguyên nhân khiến bé chậm nói cùng cách thức giúp bé rèn luyện và phát triển khả năng ngôn ngữ.
1. Nguyên nhân bé chậm nói
Thông thường trẻ 1 tuổi đã có thể nói được 2-3 từ đơn khá rõ như: “Bố, bà”. Bước sang tuổi thứ 2, thứ 3 vốn từ vựng của bé khá phong phú (khoảng 50-200 từ) và thường nói rất nhiều. Đây có thể coi là giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ ở trẻ.
Tuy nhiên, trường hợp đã đến tháng, đến ngày mà bé vẫn “lười nói” cũng không ít. Có nhiều nguyên nhân. Có thể bé gặp trục trặc về cơ quan phát âm (tai, vòm miệng), cơ quan chỉ huy, hoặc quá ít sự tương tác giữa người lớn với bé. Cụ thể:
Trục trặc về cơ quan phát âm
Thính giác: Bé không nghe được thì cũng có nghĩa mất luôn khả năng hiểu, bắt chước, sử dụng ngôn ngữ. Bạn cần lưu ý sớm điều này. Có thể kiểm tra khả năng nghe của bé bằng cách vỗ tay, hỏi chuyện, thậm chí gọi con từ phía sau. Nếu trẻ hoàn toàn không phản ứng (nhiều lần) với các âm thanh thì có nghĩa thính giác của bé đang có vấn đề.
Vòm miệng: Bị dị tật về lưỡi, hàm ếch… cũng là trở ngại khiến trẻ phát âm khó khăn. Bé nghe thấy âm thanh, có phản xạ nhưng ngắc ngứ trong phát âm, nói ngọng, nói lắp…
Cơ quan chỉ huy: Não bị dị tật bẩm sinh, bại não, những di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não…
Sự tương tác ít: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất với tình trạng chậm nói của trẻ. Bé sống trong gia đình neo người, ba mẹ quá bận rộn, người trực tiếp chăm sóc bé lại… ít nói hoặc chỉ lo chuyện ăn uống ngủ nghỉ của bé mà quên mất phần “giao tiếp”.
Sự tương tác với người lớn quá ít cũng là nguyên nhân chính khiến bé chậm nói.
2. Để bé nhanh biết nói
Nói chuyện với bé
Ngôn ngữ không tự nhiên có. Nó chỉ xuất hiện khi có sự tác động của người lớn. Vì vậy, mẹ nên nói chuyện với con ngay từ những ngày đầu tiên bé được sinh ra chứ không phải đợi cho đến khi bé biết nói. Dù bận rộn đến mấy bạn cũng nên dành thời gian chuyện trò cùng con. Tranh thủ nói chuyện với con mọi lúc, lúc chơi, lúc tắm, lúc cho bé ăn, lúc thay tã cho con…
Đừng vội đáp ứng nhu cầu của trẻ
Là một bà mẹ, bạn dư sức đoán được bé đang cần gì khi nhìn con. Song tuyệt đối không nên thực hiện yêu cầu của con trước khi bé nói ra. Việc đáp ứng cho trẻ trước khi trẻ nói sẽ khiến con cảm thấy ngôn ngữ không cần thiết và bé không có nhu cầu nỗ lực, cố gắng nói để người khác hiểu mình nữa. Chẳng hạn, khi bé muốn uống sữa, dù nhìn con là bạn hiểu rất rõ con muốn gì rồi nhưng bạn vẫn cần gợi ý: “Con muốn gì?”, “Con muốn uống sữa phải không?”, “Để mẹ lấy sữa cho con uống nhé…?”
Tạo sự chú ý qua các trò chơi
Một điều quan trọng không kém là tạo cho trẻ sự chú ý qua các trò chơi. Khi chơi cùng con, bạn hãy chỉ vào những con vật, đồ vật… trước mặt và phát âm thật rõ, chậm và lặp lại nhiều lần tên con vật, đồ vật đó để bé chú ý nghe, nhớ và lặp lại. Từ đó trẻ chơi với những từ trẻ học được, dần dần hiểu từ và kết hợp với cử chỉ, điệu bộ, trẻ sẽ hoàn thành lời nói.
Không nên cho bé xem tivi quá nhiều
Tivi chỉ là phương tiện truyền thông, tác động một chiều, không phải là phương tiện giao tiếp. Tuy nhiên, hiện đa số trường hợp cha mẹ lạm dụng tivi trong vấn đề giữ trẻ. Người lớn vừa cho trẻ xem tivi vừa đút trẻ ăn hoặc mở lên rồi “đóng khung” ở đó để trẻ xem suốt từ sáng đến tối, hoàn toàn không có sự tương tác. Trong khi trẻ từ giai đoạn 1 tuổi rất cần sự tương tác để phát triển ngôn ngữ.
Khuyến khích bé nói
Khi bé bập bẹ nói, phát âm – có thể chưa chính xác, bạn cũng cần động viên để bé thích thú với việc học nói. Không nên cắt ngang khi bé nói sai từ. Chẳng hạn như bé nói “Mẹ ơi chon Méo”, bạn gạt ngay “con nói sai rồi, đó là con mèo”. Sẽ khó mà cải thiện được tình trạng phát âm sai ở trẻ, nguy hiểm hơn trẻ sẽ cảm thấy tự ty, mắc cỡ khi mình nói sai và không-thèm-nói nữa. Thay vào đó, bạn có thể nói “Ừ, cục cưng của mẹ giỏi quá, con nói con Mèo lại cho mẹ nghe nào!” “Con có thích con mèo không?” “Con mèo nhà ai vậy con?” Phát âm thật rõ từ “con mèo” nhiều lần, khuyến khích bé nói lại theo bạn. Nếu không bị tật gì, bé có thể tự điều chỉnh lại sau vài lần được bạn giúp.
3. Khi nào cần can thiệp?
Bạn cần chú ý chăm sóc, quan tâm phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ phù hợp với độ tuổi, và cần can thiệp sớm khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về phát triển ngôn ngữ như:
- Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6 – 8 tuần tuổi.
- Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
- Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
- Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng.
- Không cười tự phát lúc 6 tháng.
- Không bập bẹ lúc 8 tháng.
- Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi.
- Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi.
Nguyễn Dinh
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.