Mẹ có nên lo lắng khi bé chậm biết bò?
Biết bò là một cột mốc trong lịch trình sự phát triển của bé. Tuy nhiên, mỗi bé có tốc độ phát triển riêng và một số biết bò sớm, một số khác lại chậm. Mẹ sẽ phản ứng thế nào khi nhận được một câu hỏi như: “9 tháng rồi mà vẫn chưa biết bò à?” hay “Tôi tưởng tầm tháng tuổi này là bé phải bò rồi chứ?”
Mốc thời gia chỉ mang tính tương đối
Thực tế, các mốc phát triển liên quan đến vận động của các nhóm cơ lớn như ngồi, bò hay đi thường biến đổi rất nhiều so với chuẩn được đưa ra. Thông thường, ở tháng thứ 9 các bé sẽ biết bò, nhưng nếu đó là tháng thứ 11 hay tháng thứ 8 thì mọi việc cũng không có gì đáng lo ngại. Khả năng bò của bé còn phụ thuộc vào những yếu tố như đặc điểm riêng hay cân nặng của bé.
Những bé có tính tình trầm lắng, nhẹ nhàng thường biết bò chậm hơn so với những bé tinh nghịch và ưa vận động. Bù lại, nhóm trẻ này lại thường phát triển sớm hơn trong các kỹ năng xã hội và thị lực cũng mau hoàn thiện hơn.
Cân nặng cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của bé. Những bé có thân hình vừa phải có khuynh hướng biết bò sớm hơn, trong khi những cô cậu bé mập mạp lại cần nhiều thời gian để có thể nâng được khối lượng cơ thể của mình lên.
"Đo" độ năng động của bé yêu
Theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh không chỉ là đo chiều cao, cân nặng, mẹ nhé! Thông qua các hoạt động thể chất của bé, mẹ có thể biết được sức khỏe của con đấy
Khi nào nên lo lắng?
Vậy, đối với những bé chậm bò hay trốn bò, khi nào là lúc các mẹ cần lưu tâm để thực hiện một đánh giá sức khỏe chi tiết cho con?
Không có tiến triển trong suốt thời gian dài:Vấn đề chính mà các mẹ cần quan tâm khi theo dấu sự phát triển của con là quá trình chứ không phải thời điểm. Các mốc thời gian thì vô cùng đa dạng, nhưng tựu chung, tất cả trẻ nhỏ đều trải qua một quá trình tương tự nhau. Bé phải đạt được những tiến bộ trong việc dần nâng thân mình khỏi mặt đất, đầu tiên là ngồi, rồi bò và đi với tay vịn vào tường, ghế, cũi…, và cuối cùng là biết đi. Mẹ hãy giữ một sổ ghi chép như nhật ký để ghi lại từng bước phát triển này và theo sát chúng. Chỉ cần bé con vẫn tiếp tục phát triển các kỹ năng vận động của mình trong mỗi tháng, mẹ không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé đạt được một tiến bộ và sau đó 2 đến 3 tháng mà không có gì thay đổi, mẹ nên chú ý theo dõi và tham khảo ý kiến của bác sỹ trong lần kiểm tra tiếp theo. Đặc biệt, nếu việc chậm bò đi cùng với hàng loạt chậm trễ trong các kỹ năng khác như thị giác, kỹ năng giao tiếp xã hội, khả năng vận động của đôi tay… thì đó là một tín hiệu báo động.
Trẻ chậm phát triển: Nhận biết thế nào?
Không khó để nhận ra những tiến bộ mới của bé như biết cười, biết ê a hay lật, trườn… Nhưng những dấu hiệu của việc chậm phát triển lại có phần “trầm lắng” hơn nhiều và chúng thường bị bỏ sót. Dưới đây là một số chỉ báo cho tình trạng chậm phát triển để giúp mẹ theo dõi sức khỏe của bé tốt hơn
Nếu mẹ đang lo sợ về sự phát triển thần kinh và cơ của bé, một lần nữa, hãy quay lại với từ khóa “quá trình”. Mỗi tháng, mẹ cần thấy được ở bé sự tiến bộ, chẳng hạn như khả năng chịu lực tốt hơn của đôi chân, bắt đầu bằng việc đi với 2 tay vịn, rồi 1 tay, và sau đó là tự bước đi mà không cần bám víu vào đâu cả. Nếu mẹ nhận thấy các cơ bắp của con thiếu sức mạnh thì có thể nhờ các bác sỹ kiểm tra kỹ lưỡng cho bé.
Mẹ biết không, nhiều em bé hoàn toàn khỏe mạnh không hề trải qua giai đoạn tập bò. Các bé thậm chí sẽ lê bằng mông trong vài tháng rồi đứng và đi một cách nhanh chóng.
Có nên cho bé xuống đất để tập bé trườn và bò?
Cẩn thận khi bé bắt đầu tập bò, tập đi
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.