Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

shape

14 Th04

Khanh ElisaTh04 14, 2020

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19Dịch COVID-19 khiến nếp sinh hoạt của người người, nhà nhà bị xáo trộn. Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ. Tôi, mẹ Shu có một em bé chưa đầy năm và ba đứa cháu lớp lá đang nghỉ học ở nhà để tránh dịch.

Thật sự vài tháng phải làm cô nuôi dạy trẻ bất đắc dĩ khiến tôi mệt mỏi phát ớn mặc dù rất yêu thương đám trẻ. Tôi tự hỏi, không biết khi nào lũ “Cô Vy, cô hồn” kia mới biến mất để giải phóng tôi khỏi tình cảnh éo le này? Nếu dịch bệnh cứ kéo dài e rằng một là tôi sẽ stress mà hóa điên vì lũ trẻ, hai là lũ trẻ sẽ không còn thấy một bà mợ dịu dàng mà chúng cực kỳ yêu quý nữa. Thế nhưng, hoàn cảnh bắt buộc, bố mẹ chúng nó làm ăn xa, còn bố mẹ chồng tôi lại già cả. Nếu tôi không trông đám trẻ lúc này thì còn ai nữa đây?

Sau rất nhiều lần cùng chồng bàn mưu, tính kế cuối cùng hai đứa tôi cũng tìm ra cách để điều khiển đám trẻ và khiến chúng ngoan hơn. Đây là những tuyệt chiêu mà vợ chồng tôi đang thực hiện rất hiệu quả trong việc “quản trẻ” mùa dịch và muốn chia sẻ với các mẹ có chung hoàn cảnh.

I. Cuộc sống sau Tết bị xáo trộn vì dịch COVID-19 khiến tôi muốn phát điên

Sau Tết, vì con còn nhỏ chưa đầy năm, nhà thì neo người lại trúng dịch COVID-19 (mặc dù lúc đó diễn biến chưa phức tạp như bây giờ). Nhưng tôi vẫn xin tạm nghỉ làm không lương để ở nhà trông con đợi qua mùa dịch.

Tôi nghỉ ở nhà được ít hôm thì lại kiêm thêm nhiệm vụ trông con giùm cho mấy đứa em chồng đi làm. Vì sau Tết, các trường học đều đóng cửa để tránh dịch COVID-19 nên bố mẹ chúng chỉ còn nước gửi con về với ông bà mà thôi.

Mới đầu, tôi rất vui vì hai mẹ con có các chị chơi cùng. Hơn nữa, bé Shu có điều kiện giao tiếp, nói chuyện với trẻ con hàng ngày sẽ học được nhiều thứ tốt cho sự phát triển. Nhưng chỉ sau khoảng một tuần, tình hình có vẻ căng thẳng và vượt ra ngoài những thứ mà tôi có thể tưởng tượng.

Vốn là nhân viên văn phòng chỉ quen gõ bàn phím trong không gian yên tĩnh. Bây giờ cho dù chỉ làm việc nhà thì tôi cũng chưa thể nào thích nghi được với độ phá phách, ồn ào của đám trẻ. Có lúc, chúng nghịch đến mức tôi chỉ còn biết trốn lên phòng đóng cửa để không phải làm quan tòa phân xử hoặc không bị mất kiểm soát đến mức quát tháo và phạt đòn chúng.

Nhưng tôi thật sự cảm thấy bất lực nhất là khi ru con mà đám trẻ cứ nô nghịch, cãi vã ầm ĩ làm thằng bé không sao ngủ được. Hoặc mẹ ru mỏi cả miệng, Shu vừa thiu thiu vào giấc thì lại bị tiếng hò hét của các chị làm giật mình thức dậy rồi khóc váng cả nhà lên.

Thêm nữa, từ ngày mấy đứa trẻ về ở cùng thì nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn, lộn xộn. Tôi có dọn dẹp cả ngày cũng không xuể. Vì quá mệt mỏi, đã có lúc tôi định từ bỏ nhiệm vụ cô nuôi dạy trẻ bất đắc dĩ để đưa Shu về quê ngoại. Nhưng nghĩ thương bố mẹ chồng già cả, gia đình các em chồng thì làm ăn xa. Vì thế, tôi cố gắng tĩnh tâm, chấp nhận “sống chung với lũ” và tìm cách “chiến đấu” với đám trẻ.

Sau vài ngày nghĩ kế, cuối cùng tôi cũng tìm ra được tuyệt chiêu khiến tụi nhỏ không trốn ra khỏi cổng đi chơi. Đặc biệt chúng còn chơi với nhau đoàn kết hơn, không cãi vã nhau váng đầu như mọi ngày nữa.

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Các chị và Shu trong dịp nghỉ học phòng dịch COVID-19 (Ảnh mẹ Shu cung cấp)

II. Cho các bé tham gia vào việc nấu ăn – làm bánh xu xuê 

Vốn đang ở độ tuổi tò mò, mấy đứa cháu nhà tôi tỏ ra khá tập trung và thích thú khi thấy mợ bày vẽ làm mấy món ăn vặt. Ban đầu tôi chỉ có mục đích là làm món gì đó ngon ngon cho bọn trẻ. Song cũng chính nhờ thế mà tôi vô tình lại phát hiện ra rằng, khi cùng tôi nấu ăn chúng có thể ngồi yên, nghe lời mợ và không chí chóe nữa. 

Đây chẳng phải là một cách tuyệt vời để đưa đám trẻ vào khuôn khổ hay sao? Nghĩ thế và tôi tức tốc tham gia ngay vào các group nấu ăn trên Facebook, hoặc xem các video dạy làm món ngon trên Youtube. Chọn mấy món đơn giản và có nguyên liệu dễ tìm, tôi bắt đầu công cuộc “giam chân” lũ trẻ.

Sau khi đã tham khảo được một cơ số món hấp dẫn cho Rằm tháng Giêng, tôi quyết định đưa danh sách ấy cho bọn trẻ tự chọn. Ban đầu chúng vẫn cãi nhau inh tí tỏi, đứa thì muốn làm món này, đứa thì muốn làm món kia. Nhưng cuối cùng bọn trẻ quyết định chọn làm món bánh xu xuê. Đây là món bánh ngon miệng, đẹp mắt nhưng thực sự hơi khó so với tay nghề của tôi. Tuy vậy, tôi vẫn đồng ý chiều lòng đám trẻ.

1. Chuẩn bị nguyên liệu

Tối đó, tôi phải lùng sục khắp các group và kênh Youtube để lựa ra công thức hợp lý và cách làm đơn giản nhất. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm đi mua nguyên liệu, sau đó bắt tay vào làm bánh cùng các cháu. Đầu tiên, tôi phân công cho mỗi bé một việc.

+ Chị lớn nhất có nhiệm vụ đun nước để hãm hoa đậu biếc lấy màu xanh, hãm hạt dành dành để lấy màu vàng. Trong lúc hãm trà, chị lớn còn kiêm thêm việc canh chiếc máy làm sữa hạt và hấp dừa tươi để làm nhân bánh. 

+ Chị thứ 2 có nhiệm vụ rửa lá nếp, củ dền. Hai loại thực phẩm này dùng để lấy màu xanh và màu đỏ cho bánh bằng cách bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi lọc lấy nước cốt.

+ Chị thứ 3 thì được giao trông bé Shu mới biết bò.

+ Còn việc của tôi là làm nhân đậu trong lúc đợi bọn trẻ chuẩn bị màu cho vỏ bánh.

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Xay củ dền để lấy màu làm bánh xu xuê (Ảnh mẹ Shu cung cấp)

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Nguyên liệu làm bánh xu xuê (Ảnh mẹ Shu cung cấp)

2. Chế biến bột và nhân

Khi nhân đậu làm xong cũng là lúc mọi nguyên liệu cho phần vỏ bánh đã sẵn sàng. Tôi bắt đầu pha màu vào bột, thêm chút đường và bắc lên bếp quấy chừng 5 phút cho đến khi bột gần chín.

Trong lúc đó, chị lớn sẽ làm nhiệm vụ phết dầu vào các hộp nhỏ để đựng bánh. Khi phần bột đã xong, tôi bắt đầu chia bột ra từng phần nhỏ. Chị lớn có nhiệm vụ chuyển nhân cho mợ gói và đặt bánh vào những chiếc hộp đã chuẩn bị trước đó. Chị thứ 2 tiếp tục được giao nhiệm vụ chuyển các hộp bánh vào nồi hấp.

Chúng tôi ngồi bên nhau trong sáng mùa xuân lất phất mưa phùn. Mỗi người lần lượt chia bột, gói bánh, bỏ hộp, cho vào nồi hấp chẳng mấy chốc cũng hết buổi sáng. Giây phút hồi hộp nhất là đặt nồi lên bếp và chờ bánh chín. Dù chỉ 20 phút thôi cũng khiến mợ cháu tôi hào hứng, đứng ngồi không yên. Thế mà sau khi bánh chín lại còn phải chờ nguội thêm cả mấy chục phút nữa mới được đụng tay vào để gói tiếp.

3. Gói bánh

Có thể nói đây là công đoạn tốn công sức và thời gian của chúng tôi nhất. Nhưng đồng thời cũng là khâu mà lũ trẻ học được cách phối hợp làm việc rất nhịp nhàng.

Một người đảm nhận phần rắc dừa hoặc vừng lên mặt bánh. Một người kéo phần màng bọc thực phẩm. Một người đặt bánh lên phần màng bọc đó rồi gói lại. Người cuối cùng thì cắt phần màng bọc sau khi lấy đủ để gói bánh. Không chỉ có vậy, sau khi gói xong, một người sẽ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ cầm kéo cắt phần màng bọc dư thừa của từng chiếc bánh cho gọn gàng, đẹp mắt.

Thế là để hoàn thành việc gói 50 chiếc bánh xu xuê, mợ cháu tôi phải mất chừng hơn gần hai giờ đồng hồ. Những chiếc bánh tuy trông còn vụng về chưa được xuất sắc lắm, nhưng ai cũng thích thú với thành quả của mình. Đám trẻ cứ xúm vào đĩa bánh chỉ chỏ ra điều mình làm thật giỏi. Còn tôi, đương nhiên cũng rất hãnh diện với những chiếc bánh đầy màu sắc vừa ra lò ấy. Song việc mà tôi hài lòng hơn cả chính là đã tạo ra được trò chơi để bọn trẻ con “có công ăn việc làm” và bớt quậy phá, nghịch bẩn.

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Mẻ bánh xu xuê đầu tay của mẹ Shu và các cháu (Ảnh mẹ Shu cung cấp)

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Mẻ xu xuê thứ 2 trông đã rất ra gì và này nọ của mấy mợ cháu (Ảnh mẹ Shu cung cấp)

Sau lần đầu làm bánh, chúng tôi ngồi “rút kinh nghiệm”, khen chê rõ ràng từng công đoạn để biết ai đã làm tốt, ai cần cố gắng hơn. Những ngày tiếp theo mợ cháu tôi còn làm thêm 2 lần nữa. Đương nhiên, vì rút được kinh nghiệm nên những mẻ bánh xu xuê lần sau lên màu sắc tươi tắn và được trình bày bắt mắt hơn rất nhiều.

Khi đăng ảnh thành quả của chúng tôi lên facebook, rất nhiều bạn bè khen ngợi và khuyên nửa đùa, nửa thật rằng gia đình chúng tôi nên chuyển qua nghề làm bánh bán trong mùa dịch bệnh.

Thú thực, khi đầu têu, bày trò cho đám nhỏ nấu nướng tôi cũng chẳng nghĩ xa xôi đến chuyện buôn bán thời vụ làm gì. Nhưng từ ngày làm bánh, thấy cảnh “gia đạo” yên ổn, đám “tiểu yêu” bỗng hóa thiên thần vâng lời người lớn răm rắp và biết phối hợp làm việc với nhau. Tự nhiên tôi lại nghĩ, hay là mình nên duy trì làm các loại bánh bán đợi qua hết mùa dịch để đám nhỏ có cái mà chơi khỏi chí chóe nhau nữa nhỉ.

Thế là sau đó, không chỉ dừng lại ở món bánh xu xuê, gia đình chúng tôi còn cùng nhau làm thêm rất nhiều món khác. Thành công nhất phải kể đến món trứng ngâm xì dầu, sữa chua úp ngược, sữa ngô, thạch trà xanh hình lá… Món ăn nào cũng mang lại cho bọn trẻ và tôi những trải nghiệm cực kỳ thú vị và vui vẻ.

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Ngoài ra, mẹ Shu bày trò thi làm mâm ngũ của thật sinh động để các bạn nhỏ trổ tài khéo tay, hay làm nữa (Ảnh mẹ Shu cung cấp)

Mẹ Shu bật mí tuyệt chiêu “giam chân” lũ trẻ trong mùa dịch COVID-19

Và cả món thạch hình lá xanh mướt khiến bạn nhỏ nào cũng thích thú (ảnh mẹ Shu cung cấp)

Dù chưa biết các bạn nhỏ sẽ phải nghỉ vì dịch COVID-19 thêm bao lâu nữa, song tôi – cô nuôi dạy trẻ bất đắc dĩ cũng không còn quá lo lắng cho nhiệm vụ của mình. Tôi tin rằng, với những món ăn mà bọn trẻ được cùng bắt tay vào làm, chắc chắn sẽ là những kỷ niệm vui vẻ nhất trong kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử này.

Mẹ Shu

 

 

 

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Khanh Elisa

  • Khanh Elisa Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc