Nguyên nhân nào khiến bé biếng ăn?
Bắt đầu từ giai đoạn biết đi, con của bạn đã có những nhận định và phản ứng riêng với việc ăn uống. Cha mẹ nên tìm hiểu, quan sát cách phản ứng của con với việc ăn uống để sớm nhận thấy những dấu hiệu không bình thường.
– Thời gian ăn của bé kéo dài từ 20 đến 30 phút
– Bé ăn ít và chỉ ăn những món nhất định và không chịu thử những món mới.
– Lượng thức ăn bé ăn vào ít hơn nhiều so với các bé khác cùng tuổi.
– Bé không thích ăn, thậm chí có những hành động như: bịt miệng, nhè thức ăn ra, nôn, khóc…khi ăn.
– Chỉ số cân nặng và chiều cao không đạt chuẩn.
– Bé dễ mắc những bệnh thông thường như ho, cảm… do hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu.
Mỗi một bé sẽ có những biểu hiện khác nhau, không có một công thức chuẩn nào dành cho bạn. Nhưng nếu như bé con nhà bạn đang có những triệu chứng trên đây, rất có thể bé đã thuộc diện biếng ăn rồi đấy. Lúc này, bạn nên kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng của bé, lượng thức ăn mà bé nạp vào cơ thể trong mỗi bữa, thói quen và cách sinh hoạt ăn uống của bé để phát hiện đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn. Mỗi nguyên nhân sẽ có những cách khắc phục riêng. Vì vậy, việc biết được nguyên nhân con biếng ăn là vô cùng quan trọng.
Thông thường, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ:
Do thói quen ăn uống của bé: Với suy nghĩ rằng chỉ có một số thực phẩm mới tốt, mới cung cấp đủ dưỡng chất dinh dưỡng cho bé mà một số gia đình cứ lặp đi lặp lại những món ăn đó hết ngày này qua ngày khác. Việc này làm trẻ nhàm chán, lâu ngày dẫn đến tình trạng biếng ăn. Thật ra, những bữa ăn đa dạng các nhóm thực phẩm sẽ làm bé ăn ngon miệng hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp cơ thể bé hấp thu đầy đủ dưỡng chất hơn. Vì trong mỗi loại thực phẩm đều có một lượng vitamin và dưỡng chất nhất định.
Mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến bé biếng ăn để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.
Ngoài ra, việc hay cho bé ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn cũng là nguyên nhân khiến bé biếng ăn. Vì đường trong các loại thực phẩm này sẽ khiến bé có cảm giác no nhưng thực chất là bé vẫn đói. Trong các loại thực phẩm này, hàm lượng dinh dưỡng lại không nhiều. Liên tục như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của bé. Do vậy, bạn nên cho trẻ ăn đúng giờ đúng bữa và chỉ nên cho bé ăn một lượng đồ ngọt nhất định sau khi ăn.
>>> Xem thêm: Làm gì khi trẻ biếng ăn
Do ảnh hưởng tâm lý: Do sợ con đói, sợ con suy dinh dưỡng mà nhiều cha mẹ cố gắng bắt ép bé ăn hết những món mình làm ra. Việc cha mẹ liên tục bắt ép con ăn những món bé không thích hoặc phải ăn quá nhiều sẽ làm bé sinh ra tâm lý sợ hãi, chán ăn. Cứ nhìn thấy món ăn là không muốn ăn. Nhiều bé còn phản ứng thái quá là khóc lóc hoặc bịt miệng không ăn…Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm lý thoải mái vui vẻ khi ăn sẽ kích thích các men tiêu hóa hoạt động, làm bé ăn ngon miệng hơn. Vậy nên, rất có thể khi đi học, bé cưng của bạn sẽ chịu khó ăn hơn ở nhà. Vì ở trường có rất nhiều bạn bè cùng vui chơi, sinh hoạt và tâm lý chia sẻ, ganh đua sẽ giúp bé ăn nhiều hơn.
Do bệnh lý: Có rất nhiều loại bệnh cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ, như mọc răng, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, thiếu vitamin. Nếu bé nhà bạn thuộc trường hợp chán ăn do bệnh lý, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để làm rõ nguyên nhân. Nếu bé bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, nghĩa là cơ thể bé bị nhiễm các loại giun, bạn có thể cho bé uống thuốc tẩy giun 6 tháng một lần. Còn nếu là trường hợp thiếu vitamin thì bạn nên bổ sung vitamin cho bé thông qua các thực phẩm hằng ngày. Việc uống thuốc để bổ sung vitamin cần phải được sự hướng dẫn của các bác sỉ chuyên khoa. Các mẹ không nên tự mua thuốc về cho bé uống.
Để chấm dứt tình trạng biếng ăn của bé không phải dễ, nó là cả một quá trình và đòi hỏi cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn và không được nuông chiều bé.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.