Những lưu ý khi cho con tiền tiêu vặt
Cho con tiền tiêu vặt không còn là khái niệm quá mới lạ với các bậc cha mẹ nữa. Tuy còn nhỏ nhưng bé cũng cần tiền cho những nhu cầu riêng của bản thân mình: một ổ bánh mì, ly sữa trong giờ ra chơi, tiền gọi điện thoại mỗi khi về sớm, tiền ăn vặt sau giờ tan học… Đối với những bé lớn hơn một chút, thỉnh thoảng bé cũng đi uống nước với bạn bè sau giờ tan học hoặc có những buổi tiệc sinh nhật bạn bè, có rất nhiều khoản tiền nhỏ mà không phải lúc nào bé cũng có thể xin ba mẹ được.
Ngoài ra, việc cho bé tiền có thể dạy cho bé tính tiết kiệm và khả năng quản lý chi tiêu sau này. Thay vì cứ mở miệng xin tiền ba mẹ mỗi khi cần, bé phải học cách tự tiết kiệm số tiền mà ba mẹ cho để phục vụ cho những nhu cầu này của mình. Nếu như có một món đồ nào đó bé cần mua, bé sẽ phải xoay sở với số tiền mà bé được cho, lập kế hoạch tiết kiệm tiền hoặc chi tiêu tiết kiệm để mua được món đồ đó. Điều này giúp bé biết quý trọng giá trị của đồng tiền hơn.
Các chuyên gia tâm lý đã phân tích rằng, việc không có tiền trong túi trong khi các bạn trong lớp đều có có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Bé sẽ cảm thấy mặc cảm tự ti và lệ thuộc vào các bạn. Thậm chí, có nhiều trường hợp, vì ba mẹ không cho tiền, bé đã có những hành vi như ăn cắp tiền ba mẹ hay mượn tiền của bạn học để chi tiêu cho những nhu cầu của mình.
Bức “tâm thư” của bé lớp 2 viết cho mẹ để xin tiền tiêu vặt.
Thế nhưng, khi nào nên bắt đầu cho bé tiền và cho bé bao nhiêu tiền là đủ? Đó là câu hỏi mà các bậc cha mẹ nên đặc biệt quan tâm. Hiện nay có rất nhiều trường hợp trấn lột ngay trong trường học. Việc bạn cho bé mang quá nhiều tiền đi học có thể vô tình khiến bé trở thành những “mục tiêu” hấp dẫn. Hơn nữa, nhiều khi vì quá bận rộn đến công việc, không có thời gian mà bạn không thể kiểm soát được bé xài tiền vào những mục đích gì. Có nhiều bé dùng tiền tiêu vặt vào những trò chơi game online mà lơ là học hành, thậm chí trốn học để đi chơi game. Việc bé dùng tiền để ăn vặt cũng có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Những đồ ăn lề đường có thể không đủ đảm bảo vệ sinh khiến bé bị đau bụng. Việc ăn vặt trước bữa ăn làm bé bị đầy bụng, dẫn đến tình trạng bỏ bữa chiều hoặc ăn ít vào buổi chiều, không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của bé.
>>> Xem thêm: Dinh dưỡng cho bé: chất khoáng và vitamin
Theo các chuyên gia, việc cho bé tiền phụ thuộc nhiều vào mức độ hiểu biết của ba mẹ với bé, sự khéo léo của ba mẹ, môi trường sống xung quanh trẻ và tính cách của từng đứa trẻ.
Một số lưu ý khi ba mẹ quyết định cho bé tiền tiêu vặt:
– Không nên cho bé quá nhiều tiền, bạn có thể tự tính số tiền mà bé cần chi tiêu trong một ngày và đưa ra con số phù hợp. Có thể đưa tiền theo ngày hoặc theo tuần. Tránh cho bé cầm một lúc quá nhiều tiền.
– Nên trò chuyện với bé nhiều hơn để hiểu thêm về tâm lý cũng như các hoạt động của bé trên trường đề phòng bé bị “trấn lột” hoặc bị dọa nạt
– Nên kiểm tra xem bé tiêu tiền vào việc gì nhưng chú ý đừng làm quá, bé cũng có những tự do cá nhân của mình. Dạy bé tiết kiệm tiền để mua những món đồ mình thích.
– Không nên sử dụng tiền bạc như một phần thưởng đối với bé. Cũng không nên đồng ý với tất cả những yêu cầu của bé. Nếu không bé sẽ cảm thấy việc ba mẹ cho tiền giống như một nghĩa vụ và sẽ có thái độ khó chịu mỗi khi không được cho tiền. Điều này có thể hình thành thói quen xấu trong tính cách của bé.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.