Những "mẹo" nằm lòng đánh thức thính giác cho bé
Vì thế, việc tìm hiểu từng giai đoạn phát triển thính giác của trẻ và làm sao kích thích kĩ năng quan trọng này phát triển tối ưu, đúng thời điểm là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đáng phải lưu tâm.
1/ Trò chuyện với bụng bầu
Tai của bé bắt đầu hình thành khi được chừng 8 tuần tuổi và hoàn chỉnh khi được khoảng 24 tuần tuổi. Vào khoảng tuần thứ 25, bé bắt đầu lắng nghe được giọng nói của mẹ và cả của bố, còn có thể biết nhận ra giọng nói của bố mẹ khi được 27 tuần tuổi. Nhịp tim của bé thường chậm lại khi mẹ đang trò chuyện, chứng tỏ bé không chỉ nghe và nhận ra được giọng nói của mẹ mà còn được xoa dịu bởi âm thanh thân thương này.
Những lời thì thầm, tâm sự, trò chuyện hàng ngày tràn đầy yêu thương của cha mẹ cũng sẽ khiến sự kết nối giữa bé và bố mẹ sẽ càng thêm bền chặt hơn. Chính vì vậy, bố mẹ nên trò chuyện với bé ngay từ khi bé còn cuộn tròn trong bụng mẹ nhé!
Trò chuyện cùng con từ trong bụng mẹ
Mặc dù nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng theo các nhà khoa học thì bào thai có phản ứng cực độ với âm thanh từ thế giới bên ngoài.
2/ Trẻ sơ sinh thư giãn với những âm thanh, giọng nói quen thuộc
Ngay từ khi trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể phân tích và giải mã (hiểu) được một số dạng thông tin nào đó trong số âm thanh được truyền vào từ môi trường bên ngoài. Thai nhi đã có thể nhận biết và thích thú giọng nói của mẹ, nghe được âm thanh của bộ phim mẹ đã xem, một bản nhạc mà mẹ đang thưởng thức. Bé có thể kết nối với những người thân bằng những âm thanh giọng nói quen thuộc mà bé nghe được ngay từ khi trong bụng mẹ. Thế nên, việc “kích hoạt” thính giác bé phát triển toàn diện, ngoài cách đơn giản là trò chuyện, có thể dùng âm nhạc.
Thai giáo bằng âm nhạc là sử dụng âm phách để kích thích cơ quan thính giác của thai nhi, giúp huấn luyện thính giác, sự hứng thú, trí nhớ cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Nguyên tắc thai giáo bằng âm nhạc mẹ bầu cần lưu ý là: Nghe đúng lúc, đủ lượng, đủ thấm và thích hợp để đem lại lợi ích hữu hiệu nhất cho sự phát triển trí não ở trẻ.
3/ Nói chuyện với trẻ
Ở giai đoạn mới chào đời, không gì tốt với thính giác của bé hơn giọng nói của chính bố mẹ. Nói chuyện với con thật nhiều để bé phát triển khả năng lắng nghe cũng như kỹ năng nói của mình, mẹ nhé. Khi cho bé bú, thay tã lót, tắm cho bé hay lúc làm bất kể việc gì cùng bé, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói chuyện. Bé sẽ rất thích thú nếu bạn trò chuyện bằng giọng líu lo, diễn cảm và vui vẻ với biểu hiện hài hước trên khuôn mặt. Mẹ nhớ khi trò chuyện hãy nhìn vào mắt con và dừng nói khi thấy bé có dấu hiệu đáp lời nhé! Chắc chắn mẹ sẽ ngạc nhiên với kỹ năng bắt chước tuyệt vời của bé yêu khi được trò chuyện với mẹ đấy!
4/ Bé có thể thư giãn với tiếng ồn “trắng”
Trẻ sơ sinh vẫn có thể ngủ rất ngon trong một môi trường âm thanh ồn ào bởi đơn giản bé đã quen từ khi còn trong bụng mẹ.Vì tử cung chưa bao giờ là một thế giới tĩnh lặng, mà ở đó có nhịp đập đều đặn của trái tim, tiếng mạch máu, tiếng dạ dày sôi ùng ục, giọng nói của mẹ và rất nhiều tiếng động từ bên ngoài.
Theo bác sĩ nhi khoa Harvey Karp, tác giả của quyển sách The Happiest Baby on the Block, trong thời gian mang thai, luồng máu chạy trong cơ thể mẹ còn to hơn của tiếng ồn của máy hút bụi. Điều đó giải thích vì sao, trẻ sơ sinh vẫn có thể “lờ đi” những âm thanh xung quanh như tiếng máy hút bụi, sấy tóc hoặc nhịp điệu đều đặn của máy giặt để có thể ngủ ngon và thoải mái.
Vậy nếu bé không tỏ ra khó chịu khi tiếp xúc với những âm thanh của cuộc sống hằng ngày thì mẹ hãy cứ để bé làm quen nhé! Miễn sao các thanh âm đó đừng quá lớn và đột ngột khiến bé giật mình.
5/ “Sức mạnh” của những lời ê a
Từ 2 tháng tuổi, bé có thể lặp đi lặp lại những tiếng “a”, “ư” và trẻ có thể bập bẹ, ê a nhiều hơn khi 4 tháng tuổi. Chính những những thanh âm đầu tiên ấy lại là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ về sau. Bạn nên khuyến khích sự tiến bộ của bé qua chơi tương tác và đàm thoại. Bắt chước âm thanh của bé và nói theo cách của bạn hàng ngày, giới thiệu và giải thích môi trường xung quanh hàng ngày cho bé.
Giọng nói của cha mẹ là một trong những âm thanh quan trọng nhất đối với con nên chắc chắn trẻ sẽ rất hứng thú khi được trò chuyện cùng bạn và nhờ đó kích thích thính giác cũng như ngôn ngữ phát triển. Việc bạn thường xuyên nói chuyện với con mình còn giúp bé hình thành những yếu tố cơ bản cho nhân cách và kĩ năng giao tiếp xã hội sau này.
6/ Đọc sách cho bé
Không bao giờ là quá sớm để đọc sách cho bé nghe mà hãy bắt đầu ngay từ khi bé là một trẻ sơ sinh. Mặc dù bé sẽ không thể nào hiểu câu chuyện hay những lời mà mẹ nói, nhưng việc lắng nghe giọng nói của bạn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng lắng nghe nhịp điệu của ngôn ngữ đấy! Trong thực tế, việc bạn thay đổi cao độ giọng nói bằng cách sử dụng âm giọng, ngân nga và phát ra âm thanh sẽ khiến bé rất thích thú. Hơn thế nữa, bạn càng nói chuyện và đọc sách cho bé thì bé sẽ càng học và làm quen thêm nhiều âm thanh và chữ bởi đây chính là giai đoạn bé chuẩn bị tập nói.
Đọc sách không những kích thích thính giác của bé mà còn giúp xây dựng được vốn từ vựng và nâng cao khả năng giao tiếp cho trẻ sau này
7/ Hướng về phía âm thanh phát ra
Vào 4-5 tháng, bé bắt đầu nghe và biết được âm thanh đến từ đâu bằng cách hướng tầm nhìn về phía phát ra âm thanh. Mẹ có thể thấy trẻ lắng nghe chăm chú hơn và sau đó cố gắng sao chép lại âm thanh đó. Điều này chứng tỏ não của bé đang phát triển dần dần theo những cách mới, dẫn đến kết quả hoạt động thể chất và tương tác xã hội cao. Tiếp tục giúp bé đạt cột mốc bằng cách cung cấp dinh dưỡng cân bằng và kích thích phát triển nhận thức của bé bằng các hoạt động tương tác.
8/ Điều chỉnh được ngữ điệu lên xuống
Từ 5-6 tháng, em bé của bạn đã biết nói theo khi nghe thấy tiếng nói, đồng thời có thể điều chỉnh được ngữ điệu lên xuống. Bé có thể tạo ra nhiều tiếng ồn vui nhộn và bắt đầu có thể sử dụng lưỡi, răng, vòm miệng để tạo ra âm thanh. Ngoài việc nói được các nguyên âm, bé bắt đầu nói được các phụ âm “b” hoặc “m”.
Tiếp tục nói chuyện với bé để bé có thể bắt chước âm thanh của bạn. Khuyến khích sự tương tác của tất cả các loại. Sắp xếp ngày dã ngoại hoặc tham gia một nhóm xã hội để cho bé của bạn tiếp xúc với những đứa trẻ khác. Hãy để các bé nhìn nhau, cười, tạo ra âm thanh và vươn ra để chạm vào nhau.
9/ Giúp bé tạo và phân biệt âm thanh
Giai đoạn này, hãy kích thích thính giác trẻ phát triển bằng cách hướng dẫn bé phân biệt nhiều loại âm thanh khác nhau, điều này cũng giúp làm tăng tính phản xạ cho bé. Chú ý xem trẻ phản ứng thế nào trước những âm thanh lạ tai khác nhau. Bên cạnh đó, mẹ cũng khuyến khích bé tự tạo ra âm thanh để bé có thể nhận thức được 1 phần nguyên nhân – kết quả khi tạo ra tiếng ồn đó. Chẳng hạn như cho bé tự rung lục lạc, tạo tiếng ồn từ xoong, nồi hoặc đánh trống,…
Trò chơi cho bé: "Nhạc công" nhanh nhạy
Không chỉ mang lại niềm vui, 2 trò chơi cho bé sau đây còn là cách đơn giản giúp mẹ kích thích sự phát triển các giác quan của trẻ trong những tháng đầu đời. Cùng xem và học hỏi ngay, mẹ nhé!
10/ “Thưởng thức” âm thanh yêu thích
Khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ bắt đầu biểu hiện thích hoặc không thích những hương vị hoặc âm thanh nhất định. Ví dụ, bé có thể yêu tiếng chuông gió nhưng ghét âm thanh ồn ào, chát chúa giống như gạch đập với nhau. Mẹ hãy chú ý đến những gì mà bé thích và cho bé thưởng thức thường xuyên. Chắc chắn ngoài việc tạo cho bé niềm vui, sự thư giãn, đó còn là cách kích thích thính giác trẻ phát triển tối ưu đấy!
>>> Xem thêm thảo luận có chủ đề liên quan:
- Giáo dục sớm cho trẻ giai đoạn 0-3 tháng
- Kỹ năng giáo dục trí tuệ trẻ
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.