Quấn khăn cho trẻ sơ sinh: Mẹ làm sai, con lãnh đủ
Không chỉ các mẹ ở Việt Nam mà rất nhiều bà mẹ ở các quốc gia khác trên thế giới cũng tin rằng, việc quấn khăn cho trẻ sơ sinh sẽ giúp bé ngủ ngon và ít quấy khóc về đêm hơn. Với nghiên cứu năm 2002 của Đại học Washington, niềm tin này của mẹ càng được củng cố khi các chuyên gia kết luận rằng, so với những bé không quấn khăn, khi được quấn khăn bé sẽ ngủ ngon hơn hẳn. Tuy nhiên, liệu có an toàn khi mẹ vẫn duy trì thói quen này khi bé lớn hơn? Đặc biệt, việc quấn khăn cho bé khi đi ra ngoài có thực sự cần thiết, nhất là với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam?
Mẹ đã biết hết những lợi ích và tác hại khi quấn khăn cho trẻ?
1/ Quấn khăn cho trẻ sơ sinh, lợi gì cho bé?
– Bé ngủ ngon hơn: Giống như cảm giác ở trong bụng mẹ, quấn khăn sẽ mang lại cho các bé cảm giác an toàn và từ đó, bé sẽ có xu hướng ngủ ngon hơn, sâu hơn.
– Bé ít khóc hơn: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với các bé dưới 8 tuần tuổi, quấn khăn có thể làm giảm 42% nguy cơ quấy khóc.
– Bảo vệ bé tốt hơn: Tuy còn nhỏ, nhưng móng tay của trẻ sơ sinh cũng rất dài và sắc nhọn, có thể dễ dàng để lại vài vệt trên mặt nếu lỡ bé quờ quạng tay trong lúc ngủ. Nhờ khăn quấn “khóa” tay, nguy cơ “lãnh thẹo” của bé cưng sẽ giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, trẻ được quấn khăn cũng sẽ ấm và tránh nhiều khói bụi khi ra ngoài đường.
2/ Những “mối nguy” không ngờ
Bên cạnh nghiên cứu năm 2002, một nghiên cứu khác của các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng cho thấy, quấn khăn là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ viêm phổi ở trẻ em. Theo nghiên cứu, những bé 3 tháng tuổi được quấn khăn thường xuyên có nguy cơ bị viêm phổi tăng gấp 4 lần so với các bé khác. Chưa đưa ra nguyên nhân chính thức, nhưng các chuyên gia cho rằng, quấn khăn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, do được “úm” quá kỹ nên sức đề kháng không có cơ hội phát triển và bé khó lòng chống lại được sự tấn công của các loại vi-rút. Hơn nữa, việc quấn khăn sẽ khiến thân nhiệt bé tăng cao làm đổ mồ hôi. Nếu không lau kịp, mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể khiến bé bị cảm lạnh.
Đặc biệt, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives of Disease Childhood (Anh) cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc quấn khăn cho trẻ sơ sinh với các vấn đề liên quan đến sự phát triển hông của trẻ. Theo đó, những bé được quấn khăn sẽ có nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp xương mãn tính và một số bệnh lý về hông khi lớn lên.
3 bước để chăm sóc trẻ sơ sinh hoàn hảo
Lần đầu làm mẹ, hẳn bạn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ và lúng túng không biết nên chăm sóc bé như thế nào cho đúng. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ có thể tham khảo cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh rút gọn sau đây. Rất nhiều thông tin hữu ích nhé!
3/ Quấn khăn cho trẻ đúng cách
– Đúng thời điểm: Không phải bé sơ sinh nào cũng thích được quấn khăn khi ngủ hoặc khi đi ra ngoài. Vì vậy, thay vì cứ ép con theo ý mình, mẹ nên lựa chọn phương án phù hợp nhất cho bé. Hơn nữa, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên cũng không cần phải lệ thuộc quá nhiều vào khăn quấn nữa.
Đặc biệt, trong thời tiết nóng bức, mẹ nên hạn chế quấn khăn cho trẻ, ngay cả khi đi ra ngoài. Thay vào đó, mẹ nên chọn cho bé những trang phục thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Khi đi ra ngoài, mẹ có thể mang thêm nón và áo khoác để bé có thể mặc thêm khi lạnh và tháo ra khi nóng.
– Đúng cách:
- Đừng kéo thẳng chân của bé hay ép chúng vào nhau khi quấn. Tốt nhất, nên “thả rông” phần thân dưới, để chân và hông của bé có thể thoải mái cử động
- Quấn khăn vừa phải, không quá lỏng hoặc quá chật. Quá chật sẽ khiến bé khó chịu, nhưng quá lỏng sẽ dễ làm khăn bung ra, làm tăng nguy cơ đột tử.
- Không để khăn quấn cao quá đầu hoặc quá cổ của bé
Cách quấn khăn đúng cho bé thoải mái
>>> Xem thêm thảo luận có chủ đề liên quan:
- Các bước quan trọng trong việc tắm bé mùa đông
- 6 bước bảo vệ sức khỏe cho bé mùa đông
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.