Sẻ chia không phải là điều khó

shape

31 Th10

Martin NguyenTh10 31, 2019

Sẻ chia không phải là điều khó

Nếu cha mẹ chiều theo mọi sở thích của con, cho bé giữ khư khư tất cả những gì bé muốn có. Dần dần, bé sẽ không hề biết đến sự sẻ chia với người khác. Bé trở nên ích kỷ và hành động như thể tất cả mọi thứ đều phải là của bé. Hệ quả của việc này là khi đi nhà trẻ, lên mẫu giáo, tiểu học và thậm chí những bậc học cao hơn, bé sẽ khó kết bạn bởi đơn giản là bé không thích sẻ chia. Nhưng điều quan trọng là khi khởi nguồn của sự ích kỷ này từ lúc lên hai, bé đã không hề ý thức được rằng đây là hành động sai trái. Do đó, khi thấy con có biểu hiện “khư khư giữ của” và cư xử nóng nảy, bố mẹ hãy kịp thời uốn nắn trẻ. Một số phương pháp sau đây có thể sẽ là những gợi ý hữu ích:

Giúp bé cảm thấy an toàn khi chia sẻ

Nguồn gốc của việc bé không thích chia sẻ là vì bé yêu quý món đồ đó, sợ người khác sẽ lấy mất hay làm hư hại. Vì thế, khi cần mượn đồ của bé, hãy nhẹ nhàng giải thích với bé rằng chỉ mượn một chút sẽ trả lại như cũ. Hãy dắt bé tới chiếc đồng hồ và chỉ rằng khi kim chỉ đến số mấy, món đồ của bé sẽ được hoàn trả. Bé sẽ cảm thấy thú vị, tập trung chú ý vào chiếc đồng hồ và tạm quên đi sự tiếc rẻ, lo lắng vì phải xa rời món đồ yêu quý.

Trao đổi hai chiều

Có thể bé sẽ cảm thấy thỏa đáng hơn nếu có sự trao đổi hai chiều nào đó. Hãy đổi con búp bê, chiếc xe của bé với cây đàn đồ chơi của bạn chơi chung trong giây lát chẳng hạn. Trẻ con thường bị thu hút với những món đồ chơi mới lạ và việc chia sẻ theo cách trao đổi hai chiều này sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên cách này chỉ nên sử dụng kết hợp với những phương pháp khác vì nếu áp dụng quá thường xuyên thì lâu dần sẽ hình thành tính “sòng phẳng quá mức” ở trẻ. Trẻ chỉ cho đi khi được nhận về tương xứng.

Sẻ chia không phải là điều khó

Giúp bé nhận ra rằng chơi chung bao giờ cũng vui hơn chơi một mình

Giúp bé cảm thấy vui khi chia sẻ

Trẻ con sẽ thường làm những gì chúng cảm thấy vui. Nếu bạn muốn biến sự chia sẻ thành một niềm vui cho con trẻ, hãy cho trẻ một món đồ nào đó và hỏi trẻ có thích không. Nếu trẻ trả lời thích, bạn hãy nói rằng bạn đang rất vui khi thấy trẻ cười tươi với món đồ. Tiếp theo, hãy cho trẻ thực hiện lặp lại điều vừa rồi. Để trẻ cho bạn mượn một món trò chơi và bạn hãy chơi thật thích thú. Sau đó hỏi trẻ có cảm thấy vui khi bạn vui không và dạy cho bé biết rằng làm người khác vui cũng chính là mang niềm vui đến với mình.

Những bài học từ truyện kể

Trẻ con luôn thích nghe kể chuyện nên dạy con bằng những câu truyện kể luôn là phương pháp tuyệt vời mà các cha mẹ không nên bỏ qua. Hãy kể cho bé nghe những câu chuyện về người không biết sẻ chia sẽ có kết cục như thế nào. Hay như hỏi ý kiến trẻ về việc không sẻ chia là xấu hay là tốt, trẻ sẽ rút ra được bài học cho chính mình.

Tôn trọng đồ đạc của con

Bé cũng rất cần bạn tôn trọng đồ đạc của bé. Hãy hỏi mượn bé một cách lịch sự khi chạm đến đồ đạc của bé. Bé sẽ cảm thấy sự được tôn trọng và bạn là người đáng tin cậy khi sẻ chia đồ đạc. Cách này cũng giúp bé hình thành việc tôn trọng đồ đạc và lịch sự với người khác.

Đừng bao giờ phạt bé hay bảo rằng bé ích kỷ bởi ở nhận thức non nớt của mình bé sẽ chẳng biết ích kỷ nghĩa là như thế nào và chỉ có sự oán giận khi bị phạt. Kiên nhẫn giải thích cho con hiểu luôn là điều bố mẹ cần làm để giúp con từng bước nhận thức được vấn đề. Và trên hết bạn muốn con bạn cư xử như thế nào thì chính mình hãy là tấm gương sáng cho bé.

Ánh Nguyệt

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Martin Nguyen

  • Martin Nguyen Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc