Top 10 sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

shape

30 Th11

Julia PhạmTh11 30, 2019

Top 10 sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

Sai lầm 1: Đi ngủ đúng giờ là quy định

Không phải quy định, nhưng là thói quen. Khi đồng hồ điểm giờ ngủ, mẹ thường vội vã bế bé vào giường và luôn muốn con yêu ngủ đúng giờ, đủ giấc. Tuy nhiên mẹ ơi, bé không phải rô bốt tí hon đâu. Nhiều khi đang chơi, vui vẻ và phấn khích hay vừa ăn no xong, sao mẹ có thể muốn bé ngủ ngay được. Thay vì vậy, mẹ nên tạo thói quen trước khi ngủ cho bé.

Khoảng một tiếng trước khi bé say giấc, mẹ cho bé vào giường, kéo rèm, bật đèn ngủ, tạo môi trường thoải mái. Mẹ có thể tắm hoặc lau người sơ qua cho bé bằng nước ấm, thay quần áo và bỉm để bé thêm dễ chịu. Đừng quên chuẩn bị những bản nhạc êm ái hoặc những mẩu chuyện ngắn thủ thỉ cùng con. Vài tuyệt chiêu này nhanh chóng làm bé buồn ngủ. Lúc này, nhiệm vụ của mẹ sẽ trở nên cực kỳ đơn giản.

Top 10 sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

Bé ơi ngủ ngoan, đêm đã khuya rồi.

Sai lầm 2: Bỏ qua dấu hiệu buồn ngủ của bé

Trẻ sơ sinh có xu hướng ngáp, dụi mắt, trở nên khó chịu và chậm chạp, mỗi khi “phát” tín hiệu buồn ngủ. Tuy nhiên, mẹ thường bỏ qua những dấu hiệu đó và không cho bé ngủ theo nhu cầu. Thực tế, cơ thể bé sẽ không “sản xuất” melatonin, chất làm dịu giúp bé thư giãn, nếu mẹ bỏ qua cơn buồn ngủ tự nhiên này. Thay vào đó, hormone gây stress, cortisol xuất hiện làm bé khó ngủ.

Vì vậy, ngay khi thấy bé có dấu hiệu, mẹ nên cho bé đi ngủ. Nếu bé con nhà bạn quá mải chơi, gần đến giờ ngủ nhưng vẫn không thấy ngáp hay dụi mắt, mẹ nên sử dụng tuyệt chiêu ở trên. Chỉ khi vào đúng “ổ”, bé mới bắt đầu có cảm giác muốn ngủ đấy mẹ.

Sai lầm 3: Làm mọi cách để bé ngủ lại

Trẻ sơ sinh không ngủ thẳng giấc, cứ khoảng 2-3 tiếng/lần bé lại thức. Mỗi lần như vậy, mẹ lại thực hiện quy trình cho con ngủ lại từ đầu. Lâu ngày, mẹ đã vô tình tạo cho bé thói quen: Muốn ngủ lại ắt phải nhờ người khác. Khi bé được 6-8 tuần tuổi, mẹ có thể yên tâm về sự cứng cáp nhất định của bé. Thay vì hát ru, vỗ mông, xoa lưng, để bé tự ngủ lại theo bản năng. Đây mới là chiêu thông minh để mẹ khỏe, bé tự lập.

Top 10 sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

Dạy trẻ tự lập từ nhỏ
Ngay từ lúc được 6 – 7 tháng tuổi, bé bắt đầu cảm nhận thế giới xung quanh, thích khám phá và thích làm theo những gì người lớn làm. Bạn nên hiểu rằng càng trưởng thành bé sẽ càng có nhiều điều muốn được làm một mình mà không cần đến sự hỗ trợ của bạn, bạn hãy tạo cơ hội để bé tự làm những việc...

Sai lầm 4: Chuyển chỗ ngủ cho bé quá sớm

Cảm thấy chiếc cũi trở nên quá chật chội cho bé con đang ngày một lớn lên, mẹ quyết định mở rộng “địa bàn” cho bé sang giường trẻ em. Sự thay đổi đột ngột khi bé chưa sẵn sàng khiến bé lạ lẫm với không gian mới và trở nên khó ngủ. Chỉ khi bé con tự mình leo ra khỏi cũi (khoảng 2 tuổi), đây mới là thời điểm thích hợp mẹ nên đổi giường cho con.

Người lớn cũng mất thời gian trong việc thích nghi với chỗ ở mới, trẻ em cũng vậy. Để bé quen dần, mẹ nên tháo bớt một bên rào của cũi, đặt bên cạnh giường mới có độ cao vừa tầm. Cách sắp xếp này giúp bé “thân thiết” với “ổ” mới nhanh hơn. Mẹ đừng quên rào quanh giường để đảm bảo bé không lăn xuống đất nhé!

Sai lầm 5: Bạ đâu ngủ đấy

Với những bé khó ngủ, khi mẹ có thể cho bé say giấc nồng trong xe đẩy, trên ghế salon hay trong tay mẹ, hẳn là quá tuyệt vời. Mẹ sẽ không vì đặt con vào giường mà làm bé tỉnh giấc, để sau đó rất khó cho bé ngủ lại. Tuy nhiên, cách này không giúp bé ngủ sâu giấc và được thư giãn thoải mái. Hơn nữa, khi thức giấc, bé sẽ khó chịu và cau có nhiều hơn bình thường.

Mẹ thử nghĩ xem ngủ trên giường và ở ghế salon, ở đâu thích hơn? Vì vậy, trừ khi là những giấc ngủ ngắn, bạn nên cho bé ngủ đúng nơi để bé yêu ngủ ngon, mơ đẹp nhé.

Sai lầm 6: Lịch ngủ lộn xộn

Chỉ khi sắp xếp giờ ngủ cho bé trong ngày hợp lý, mẹ mới có thể yên tâm bé say giấc mỗi đêm. Thử nghĩ xem bé mới ngủ giấc chiều 6-7 giờ mới dậy, 8 giờ tối mẹ lại muốn bé ngủ ngay? Chia đều thời gian ngủ cho bé, tránh để mỗi ngày mỗi kiểu khiến múi giờ sinh hoạt của bé trở nên lộn xộn. Tuy nhiên, có những ngày bé ngủ trưa ít hoặc nhiều, mẹ nên dựa vào điều này để sắp xếp giờ ngủ cho bé vào buổi tối. Linh hoạt đôi chút để cả hai mẹ con đều có giấc ngủ ngon.

Top 10 sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?
Tùy theo độ tuổi, thời gian ngủ của trẻ sơ sinh có thể lên tới 16 tiếng/ngày. Thiếu ngủ, ngủ không đủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy, mẹ có biết trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?

Sai lầm 7: Cho bé ngủ muộn

Khi bé chưa muốn ngủ, mẹ thường để bé thức khuya với hy vọng hôm sau bé sẽ ngủ bù. Điều này chỉ đúng với trẻ 13 tuổi trở lên thôi mẹ ơi. Đồng hồ sinh học của trẻ sơ sinh vận hành theo đúng quy trình, dù mẹ cho bé ngủ giờ nào, cứ sáng sớm bé sẽ thức dậy. Do đó, cho bé thức khuya chỉ làm bé thêm cáu gắt, mệt mỏi vào ngày hôm sau mà thôi. Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ 10-11 tiếng mỗi đêm.

Sai lầm 8: Mặc kệ bé khóc

Nửa đêm khi trẻ tỉnh giấc, mẹ nghĩ rằng cứ để bé khóc cho đến khi mệt sẽ lăn ra ngủ. Tuy nhiên, chưa được 15 phút, mẹ đã phải quay sang vỗ về, bồng bế. Có thể mẹ mệt và chỉ muốn nằm thêm chút nữa, nhưng mẹ ơi đây không phải giải pháp hay. Chuyện này tiếp diễn, bé sẽ học được rằng: Hễ khóc, mẹ sẽ dỗ. Mẹ chỉ càng mệt thêm thôi.

Thay vì vậy, khi bé thức giấc nửa đêm và cần ai vỗ về, bạn, ông xã hay thậm chí ông, bà thay phiên nhau để trông bé. Đừng để bé khóc thành quen nhé!

Sai lầm 9: Mỗi người mỗi ý

Thay phiên nhau để trông con ngủ nhưng cách xoa dịu của ba mẹ lại hoàn toàn khác nhau. Ba vỗ mông, mẹ xoa lưng. Ba mẹ nên cùng nhau thống nhất cách cho bé ngủ để tránh làm lộn xộn thói quen của bé nhé!

Sai lầm 10: Từ bỏ quá sớm

Thói quen không phải dễ thay đổi. Vì vậy, ba mẹ nên kiên nhẫn trong quá trình hình thành giờ giấc ngủ nghỉ cho bé. Ít nhất mất đến 3 tuần, bé mới có thể quen dần với phương pháp ba mẹ đặt ra. Đừng từ bỏ quá sớm nhé ba mẹ!

>>> Các thảo luận có cùng chủ đề:

  • Bé vặn mình và khó ngủ
  • Bí quyết nào giúp bé ngủ ngon giấc?

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Julia Phạm

  • Julia Phạm Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc