Trẻ bị hạ thân nhiệt: Cẩn thận không nguy!
Giống như sốt cao, trẻ bị hạ thân nhiệt cũng là trường hợp khá phổ biến, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, hầu hết các mẹ đều lo lắng khi nhiệt độ cơ thể con tăng cao, nhưng lại không có biện pháp xử lý kịp thời khi thân nhiệt trẻ xuống thấp. Điều này rất nguy hiểm, vì nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ bị hạ thân nhiệt có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm.
Bất cứ sự thay đổi nào về thân nhiệt của trẻ, dù tăng hay giảm cũng có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được chăm sóc kịp thời
1. Trẻ bị hạ thân nhiệt: Làm sao nhận biết?
Giống như tên gọi, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nhiệt độ cơ thể trẻ giảm đột ngột, dưới mức bình thường. Những bé lớn hơn thường có dấu hiệu rét run. Trẻ bị hạ thân nhiệt cũng xuất hiện một số triệu chứng sau đây:
– Bàn tay, chân lạnh ngắt, có dấu hiệu tím tái ở đầu ngón tay, chân, đi kèm cứng cơ. Trường hợp nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 28 độ C có thể dẫn đến hôn mê, đồng tử giãn, mất phản xạ với ánh sáng.
– Mệt mỏi, khó chịu. Trẻ cũng thường có dấu hiệu nhiễm khuẩn như ngủ lo bì, bú kém, suy hô hấp.
– Huyết áp giảm, trẻ có cảm giác choáng váng, chóng mặt. Trong một số trường hợp, hạ thân nhiệt có thể gây rối loại nhịp thở, làm chậm nhịp tim.
Đo nhiệt độ hoặc tiến hành các xét nghiệm để xác định nguyên nhân như xét nghiệm đường máu, CRP máu, cấy máu…là những cách chính xác nhất để biết trẻ có bị hạ thân nhiệt hay không.
Hạ thân nhiệt thường được xác định khi nhiệt độ đo được ở hậu môn dưới 35 độ C. Từ 35-34 độ C nghĩa là trẻ bị hạ thân nhiệt ở mức độ nhẹ; 34-32 độ C nghĩa là hạ thân nhiệt ở mức độ trung bình; 32-25 độ C là trẻ bị hạ thân nhiệt ở mức độ nặng, và dưới 25 độ C là dấu hiệu báo động tình trạng nguy kịch.
Cách đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, rất nhiều mẹ vẫn chưa biết cách đo nhiệt độ cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh đúng nhất. Đo nhiệt độ cho trẻ ở đâu đúng nhất? Nhiệt độ như thế nào là bình thường? Tham khảo ngay bài viết sau để có câu trả lời chính xác nhất, mẹ nhé!
2. Trẻ bị hạ thân nhiệt, mẹ phải xử sao?
Ngay khi phát hiện con bị hạ thân nhiệt, mẹ nên tiếp hành sơ cấp cứu ngay: Làm ấm cơ thể, giúp cơ thể trẻ trở lại nhiệt độ bình thường. Quấn tã, mặc quần áo, đội mũ và đắp chăn ấm cho trẻ, đồng thời di chuyển trẻ đến nơi ấm áp, hoặc tăng nhiệt độ phòng. Mẹ cũng có thể ôm và cho bé bú, hoặc vắt sữa cho con uống bằng muỗng. Nếu trẻ bị ướt, mẹ nên nhanh chóng thay quần áo khác và ủ ấm cho bé bằng chăn mền. Khi tăng nhiệt độ phòng, mẹ chỉ nên tăng nhiệt độ bình thường, tránh tăng nhiệt độ đột ngột.
Lưu ý: Trước khi sơ cấp cứu, mẹ cũng nên thông đường đường thở, hỗ trợ đường hô hấp của trẻ. Sau khi ủ ấm cho bé, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để có biện pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không chườm nóng trực tiếp hoặc dùng nước nóng, đệm sưởi để ủ ấm, nhất là phần tay và chân. Vì như vậy thúc đẩy lượng máu lạnh trở về tim, phổi đột ngột, dẫn đến hạ nhiệt trung tâm.
Trường hợp trẻ bị hạ thân nhiệt nặng có thể tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc đặt nội khí quản hỗ trợ đường thở, truyền dịch…
3. Phòng chống hiện tượng hạ thân nhiệt cho trẻ
Đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm trong thời tiết lạnh là cách phòng chống tình trạng hạ thân nhiệt hiệu quả nhất. Khi đi ra ngoài trời lạnh, nhất là mùa đông ở miền Bắc, mẹ nên cho bé đội mũ, mặc áo khoác và quàng khăn. Lưu ý: Thay vì cho trẻ mặc 1 lớp dày, các chuyên gia khuyến khích mẹ nên cho con mặc nhiều lớp áo mỏng. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, mẹ sẽ dễ dàng tháo bớt hoặc mặc thêm áo. Tránh trường hợp trẻ bị nóng đổ mồ hôi, từ đó dẫn đến cảm lạnh.
Bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh mùa lạnh: Giữ ấm cho trẻ đúng cách
Giữ ấm cho bé là một trong những việc quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa lạnh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh cần giữ ấm như thế nào mới đúng? Phần lớn các mẹ đều cảm thấy lúng túng khi được hỏi vấn đề này
Với trẻ sơ sinh, việc giữ ấm cần được làm ngay sau khi chào đời. Mẹ nên cho trẻ bú sớm, vừa tận dụng lượng sữa non quý giá, vừa giúp trẻ ổn định thân nhiệt nhanh chóng. Khi tắm cho bé, mẹ không nên tắm quá lâu, không tắm trễ, không tắm bằng nước lạnh. Lưu ý: Khi tắm cho trẻ mẹ nên lựa nơi kín gió.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.