Trẻ sơ sinh tăng cân chậm, mẹ phải làm sao?
Thông thường một em bé mới sinh sẽ có xu hướng giảm cân hoặc tăng cân rất chậm so với trọng lượng ban đầu trong vài ngày đầu sau sinh. Khoảng thời gian sau đó bé sẽ “tăng tốc” bắt đầu tăng cân một cách đều đặn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ sơ sinh tăng cân chậm mãi vẫn không “biến chuyển”, mẹ nên chú ý. Đây có thể là dấu hiệu báo động bé cưng đang có vấn đề sức khỏe.
Trong những tháng đầu sau sinh, trọng lượng của bé sẽ tăng lên đáng kể
1/ Sự tăng trưởng đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ
Theo các tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới sự tăng trưởng được xem là bình thường đối với trẻ bú sữa mẹ thông qua các tiêu chí sau:
– Một em bé sẽ mất khoảng từ 5-10% cân nặng sau khi sinh trong tuần đầu tiên và bắt đầu tăng cân đều đặn sau 2-3 tuần
– Cân nặng sau khi sinh sẽ tăng gấp 2 lần khi được 4 tháng tuổi và tăng gấp 3 lần khi 13 tháng tuổi đối với bé trai, 15 tháng đối với bé gái
– Chiều dài tăng 1,5 lần trong vòng 12 tháng
– Chu vi vòng đầu tăng lên khoảng 11cm khi 12 tháng tuổi
Tuy nhiên, tuỳ thuộc và nhiều yếu tố mà mỗi bé sẽ có sự phát triển khác nhau.
15 sự thật thú vị về sự phát triển của trẻ sơ sinh không phải mẹ nào cũng biết
Trẻ sơ sinh phản ứng nhanh với các tiếp xúc ngoài da, có nhịp tim nhanh gấp 2 lần người lớn. Còn gì nữa mẹ nhỉ? Cập nhật ngay 15 sự thật thú vị khác về sự phát triển của trẻ sơ sinh để biết cách chăm sóc con tốt hơn, mẹ nhé!
2/ Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tăng cân chậm
Bé sơ sinh tăng cân chậm thường do một trong những nguyên nhân dưới đây:
- Sinh non: Với những bé sinh non, chưa đủ tháng thường sẽ chậm lên cân hơn so với các bé khác. Chưa kể đến sức khoẻ của bé cũng sẽ kém hơn, dễ mắc bệnh hơn.
- Không bú đủ sữa: Có thể vì lý do nào đó mà mẹ không xác định được lượng sữa cung cấp cho bé có đủ hay không. Hoặc, sữa mẹ quá ít không đáp ứng được nhu cầu khiến bé sơ sinh tăng cân chậm.
- Vấn đề về sức khoẻ: Việc chậm tăng cân có thể liên quan đến sức khoẻ của bé. Chẳng hạn vấn đề về thần kinh, thiếu máu, dị ứng sữa, mắc hội chứng di truyền, tình trạng quá tải lactose, trào ngược dạ dày… Hoặc, bé bị một số rối loạn ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.
- Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít: Có nhiều trường hợp bé chậm tặng cân vì do lười bú, không chịu bú. Đôi khi đói bé sẽ đòi bú nhưng lại nhanh chóng “rơi” vào giấc ngủ khiến cho việc bú sữa bị gián đoạn và bé chỉ bú với một lượng rất ít. Nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.
Lười bú, bú ít hoặc mắc một số bệnh lý về sức khỏe là nguyên nhân khiến bé tăng cân chậm
3/ Trẻ sơ sinh tăng cân chậm phải làm sao?
Nếu xác định được trẻ sơ sinh tăng cân chậm có liên quan đến vấn đề sức khoẻ thì mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám để điều trị bệnh dứt điểm. Có như vậy con bạn mới bắt kịp đà phát triển một cách bình thường.
Để cải thiện cân nặng của trẻ mẹ có thể áp dụng những cách sau:
- Chăm chút cho giấc ngủ của con: Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh do đó, cần đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc. Đặc biệt, mẹ hãy tạo điều kiện cho bé ngủ một giấc thật ngon và sâu vào thời điểm từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Lúc này, hormone tăng trưởng sẽ tăng gấp 4 lần so với những lúc khác.
- Cho bé bú thường xuyên: Đối với bé bú sữa mẹ thì cần cho bé bú thường xuyên, mỗi cữ bú cách nhau từ 2-3 giờ. Cố gắng giữ cho thời gian bú càng lâu càng tốt vì hàm lượng chất béo của sữa mẹ sẽ tăng lên đều đặn và thường gấp đôi so với sữa lúc đầu.
- Bú đúng cữ: Bé ngủ lâu hơn vào ban đêm, bỏ qua cữ bú cũng có thể làm giảm lượng sữa và cân nặng vì vậy, mẹ cần đánh thức bé dậy để bú. Ngoài ra, mẹ có thể cho bé uống thêm sữa công thức trong trường hợp sữa mẹ không đủ cho sự phát triển.
- Ăn đặm đúng thời điểm: Không nên cho bé ăn dặm quá sớm đặc biệt dưới 6 tháng tuổi. Hầu hết các thực phẩm khác có ít calo và chất dinh dưỡng hơn so với sữa mẹ. Với trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm mẹ nên bổ sung thêm nhiều nguồn thực phẩm dinh dưỡng khác nhau vào thực đơn hàng ngày như: Ngũ cốc, các loại rau củ quả, trứng, thịt…
Trẻ sơ sinh tăng cân chậm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mẹ nên tìm hiểu kỹ để có cách giải quyết sớm, tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe bé cưng.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.