Tuần thứ 26: Bước nhảy vọt của bé
“Bão tố trước bước phát triển mới
Nếu mẹ đã đi qua những mốc phát triển trí tuệ trước đây, không có gì đáng ngạc nhiên khi một lần nữa bạn phải cùng con vượt “bão tố”. Biểu hiện của lần phát triển trí tuệ này cũng không khác biệt nhiều so với những mốc trước:
-Con hay khóc, mè nheo, khó chịu
-Liên tục đòi mẹ bày trò chơi
-Thích được ẵm bồng, vuốt ve
-Ngủ ít hơn
-Ăn không ngon miệng
-Không thích mặc bỉm
-Ít nói, trầm lắng, sợ người lạ
-Thích ôm một đồ vật nào đó như gấu bông, gối hay chăn
Mặc dù đã trải qua vài lần tương tự, các bố mẹ vẫn dễ kiệt sức trước những biểu hiện này của con. Có thể nói, mỗi bước phát triển trí tuệ của con thường mang đến nhiều thử thách cho cả bố mẹ và bé. Thế nên, điều quan trọng là bạn cần chuẩn bị tâm lý thật tốt khi gần đến những mốc phát triển này.
Các mốc phát triển trí tuệ thường đến khá đúng hẹn và bạn có thể dự đoán trước
Chào đón những kỹ năng mới
Trải qua những thử thách, con bạn sẽ học được nhiều kỹ năng mới, thường là ở tuần thứ 26. Trước hết phải kể đến sự tiến bộ trong khả năng giữ thăng bằng và vận động, khi con có thể tự ngồi dậy khi đang nằm, tự nâng người lên, đứng dậy được, có thể đi nếu được bố mẹ đỡ, đi khi bám vào thành cũi hoặc đồ vật trong nhà, biết cúi người khi bò qua gầm bàn… Khả năng sử dụng đôi tay của con cũng khác biệt hơn, chẳng hạn như có thể tự tháo tất, quăng món đồ này vào món đồ khác, lấy đồ trên kệ xuống, đút thức ăn vào miệng bố mẹ…
Về khả năng ngôn ngữ, con cũng đã có những bước tiến nhất định. Con đã hiểu được một số câu đơn giản như “không được làm như vậy”, “đây là tiếng con bò kêu”, liên hệ được tiếng còi xe với chiếc xe đang chạy, biết khi mẹ nói “đánh răng” thì cho tay vào miệng chà chà…
Con đã biết bắt chước theo những động tác của mẹ như chào tạm biệt, lè lưỡi, lắc đầu, vỗ tay…
Bước tiến trong khả năng tư duy
Trải qua bước phát triển trí tuệ này, con đã biết đến mối liên hệ về khoảng cách và vị trí giữa vật này với vật khác. Con hiểu được rằng một vật có thể ở bên trong, bên ngoài, bên trên, bên dưới, bên cạnh, ở giữa một vật nào khác. Đôi khi, con sẽ sợ vì biết rằng mình không kiểm soát được khoảng cách hay vị trí ấy. Chẳng hạn, khi mẹ đặt con vào xe đẩy, bé sẽ phản đối vì không thể quyết định nơi mình muốn đến, trong khi đó, con thích được tung tăng bò dưới sàn nhà để chạm vào chân bàn, hay mò đến chậu cây trong nhà… Bạn cũng sẽ chứng kiến cảnh con lấy đồ chơi từ thùng rồi bỏ đồ chơi vào chén ăn cơm của mình, hết lần này đến lần khác, dù món đồ đó to hơn nhiều so với miệng chén. Tất cả là để khám phá mối liên hệ giữa các sự vật.
Phát triển thể chất cho bé 6 tháng tuổi qua các bài tập
Bạn hãy tiến hành cho bé tập một số những động tác đơn giản để tạo cho bé thói quen vận động ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc giữa các bài tập phù hợp với từng tuổi của bé.
Bé con cũng đã hiểu được đâu là trạng thái bình thường, đâu là hoạt động bất thường của một người hay một con vật thân quen. Chẳng hạn, khi bố mẹ làm rơi vỡ một chiếc bình hoa, bé hiểu rằng có điều gì đó không ổn.
Với những kỹ năng đã học được, con sẽ tiếp tục khám phá thế giới xung quanh mình, tiếp tục hoàn thiện những khả năng của mình để chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo. Trong thời gian này, bạn sẽ được thấy rằng, con chỉ tập trung vào một số hoạt động mà bỏ qua nhiều hoạt động khác. Hãy bình tĩnh quan sát, khuyến khích sở thích của con và tránh ép con phải làm những việc mà bé không thích.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.