Vì sao con lúc nào cũng nói “không”
Ở độ tuổi này, bé thấy rằng việc cãi lời hay tỏ ra ngang ngạnh là một cách để giành được sự tự tin. Việc nói “không” là một phản ứng hoàn toàn bình thường để bé cảm thấy mình có chút ảnh hưởng trong thế giới rộng lớn này. Bố mẹ đừng vì điều này mà vội vã kết luận rằng bé bướng bỉnh và không ngoan nhé.
Tuy nhiên, việc thường xuyên cãi cọ thật là phiền phức, và bạn cần tìm những giải pháp để thoát khỏi tình trạng này. Hãy thử những bí quyết dưới đây để thay đổi em bé bướng bỉnh mà bạn thường thấy.
Thể hiện sự tích cực đối với con
Tương tự như bạn, bé yêu ghét nghe từ “không”, nhưng hãy thử kiểm lại xem bạn nói bao nhiêu lần những câu như “không được trèo ghế”, “không nghịch nước”, “không vứt đồ chơi ở đó”… trong một ngày? Chừng đó là đủ để khiến bất kỳ ai cũng trở nên cáu kỉnh, và chẳng có gì khó hiểu khi bé bướng bỉnh chống đối bạn. Thay vì vậy, hãy nói với con bằng những câu chủ động, mang sắc thái tích cực như “hãy ngồi yên trên ghế vì nếu con nghịch nước thì bộ áo đẹp đang mặc sẽ bị bẩn mất”. Hãy chú ý rằng tông giọng lên xuống cũng rất quan trọng đấy nhé!
Giải thích cho con hiểu lý do
Để con không có cảm giác bị bắt buộc, bạn hãy giải thích lý do vì sao bạn muốn con làm điều gì đó. Chẳng hạn, khi bạn đang bị đau tay và không muốn con cứ đu người trên những thanh xà cao, hãy giải thích rằng vì tay bạn đang bị đau, không thể đỡ bé xuống được và bé có thể sẽ bị ngã… Trẻ ở tuổi lên 2, lên 3 đã có thể hiểu được những lời giải thích ngắn gọn như vậy.
Đừng quá độc đoán
Hãy thường xuyên tạo ra các cơ hội để con được quyết định những việc nho nhỏ liên quan đến mình. Chẳng hạn, “con thích sữa hay nước táo ép?”, hay “con thích áo dài tay màu đỏ hay áo thun màu xám?”. Khi con được quyền quyết định, bé sẽ cảm thấy rất tự hào đấy!
Ép buộc không phải là giải pháp tốt cho những khi bé bướng bỉnh. Thay vì vậy, hãy cùng con nghĩ ra những hoạt động thú vị
Khuyến khích bé noi theo gương tốt
Bạn luôn biết rằng con thích bắt chước người lớn, nên hãy tận dụng điều này để xử lý những trường hợp bé bướng bỉnh. Chẳng hạn, khi con không chịu mặc áo khoác, hãy nói “Bây giờ trời nắng quá, mẹ sẽ mặc áo khoác vào để chống nắng nè. Con có thấy trời nắng quá không? Hay mình cùng mặc áo khoác chống nắng rồi đi ra ngoài nhé”.
Dùng sự hài hước để phá vỡ bế tắc
Nếu bạn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại rằng con phải làm thế này, thế kia, có thể bé lại càng không nghe lời. Thay vì vậy, hãy gợi ý cho con một trò chơi để “dẫn dụ” bé đến hoạt động mà bạn mong muốn. Chẳng hạn, khi muốn con đi tắm nhưng bé lại đang chơi búp bê, bạn hãy nói “nào, giờ mình sẽ cùng bạn búp bê nhảy một đoạn cho đến khi vào tới phòng tắm nhé”.
Khen ngợi hành động tốt
Đây là một bước không thể thiếu để khuyến khích con thực hiện những hành động tốt, tích cực và bớt ngang ngạnh. Hãy cho con thấy rằng bạn rất công bằng, và những nỗ lực của bé đều được ghi nhận.
Tại sao trẻ cần được khen ngợi?
Việc khen ngợi rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Đó là phương thức để cha mẹ và bé hiểu nhau nhiều hơn, giúp trẻ bộc bạch tâm tư nguyện vọng của mình, đồng thời khích lệ trẻ tiếp tục cố gắng vươn lên
Những trường hợp con hay nói “Không”
Để không “bốc hỏa” mỗi khi bé bướng bỉnh cãi lời, bạn hãy chuẩn bị trước tâm lý trong những trường hợp con hay nói “không” nhất. Đó là:
-Trước giờ đi ngủ
-Giờ ăn
-Khi bạn bảo con thử những hoạt động xa lạ
-Gặp gỡ bạn mới hay chuẩn bị đến trường
-Khi đi mua sắm hay ở trong sân chơi đông đúc
-Khi đi gặp bác sỹ
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.