Sảy thai bao lâu mới nên có thai lại?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi sảy thai, bạn nên chờ ít nhất 6 tháng để cơ thể phục hồi hoàn toàn trước khi cố gắng có em bé khác. Tuy nhiên, nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Aberdeen (Anh) với hơn 30.000 phụ nữ lại cho kết quả ngược lại. Trong vòng 6 tháng sau khi sảy thai là cơ hội tốt nhất cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Sau khi sảy thai, vợ chồng bạn nên chờ bao lâu để tiếp tục kế hoạch “tạo người”?
Dựa trên dữ liệu y tế của những phụ nữ đã sảy thai trong lần đầu và mang thai trở lại từ năm 1981 đến năm 2000, các chuyên gia nhận thấy những người có thai trở lại ngay trong 6 tháng đầu sẽ giảm đáng kể nguy cơ sảy thai, thai chết lưu. Hơn nữa, nguy cơ sinh non, sinh mổ, thai nhi nhẹ cân cũng giảm đáng kể trong những trường hợp này.
Theo bác sĩ Sohinee Bhattacharya, một chuyên gia sản khoa đồng thời cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, kết quả nghiên cứu này mang đến một niềm hy vọng mới cho những phụ nữ lớn tuổi – nhóm phụ nữ có tỷ lệ sảy thai cao. So với nguy cơ do khoảng cách ngắn giữa những lần mang thai, nguy cơ do tuổi tác thậm chí còn cao hơn.
Một nghiên cứu khác của các chuyên gia tại Đại học Y Duke được công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynecology cũng cho thấy những lợi ích nếu bạn bắt đầu của việc rút ngắn thời gian chờ đợi. Theo nghiên cứu, những cặp vợ chồng thử có thai lại trong vòng 3 tháng sau sảy thai có cơ hội thụ thai tăng 71%.
Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi: Sảy thai bao lâu mới có thể mang thai lại. Tuy nhiên, dù câu trả lời ra sao, thời điểm bắt đầu mang thai lại vẫn là quyết định cá nhân của vợ chồng bạn. Các chuyên gia chỉ có thể đóng góp ý kiến, nhưng quyết định như thế nào lại tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tâm lý của từng người.
Những điều cần lưu ý trước khi bắt đầu thai kỳ mới
– Tăng cường bổ sung axit folic:. Không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh, axit folic còn giúp giảm thiểu nguy cơ sảy thai.
– Bổ sung sắt sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng, đồng thời hạn chế cảm giác mệt mỏi, chóng mặt do mất máu nhiều sau sảy thai.
– Duy trì lối sống lành mạnh: Tránh hút thuốc, uống rượu bia, đồng thời duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các nhóm chất. Bạn cũng nên lưu ý về chỉ số BMI của cơ thể. BMI quá cao hoặc quá thấp cũng đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản của bạn.
– Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sảy thai còn để lại những nỗi đau tinh thần cho cả bạn và anh xã. Theo các chuyên gia, tâm lý thoải mái là yếu tố quan trọng nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh. Vì vậy, trước khi bắt đầu một thai kỳ mới, bạn cần vượt qua tâm lý đau buồn, tránh lo lắng, căng thẳng quá mức.
Tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe, tâm lý, bảo đảm cơ thể, tinh thần mình đã sẵn sàng cho hành trình làm mẹ sắp tới. Sảy thai có thể do nhiều nguyên nhân. Trong trường hợp bạn sảy thai do nhiễm trùng, thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể đề nghị bạn chờ đợi thêm một khoảng thời gian để cơ thể thật sự hồi phục mới bắt đầu mang thai trở lại.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.