Vợ chồng trẻ cần chuẩn bị gì trước khi sinh con
1. Chuẩn bị về sức khỏe trước khi có em bé
- Đến gặp bác sĩ: Đây là việc đầu tiên bạn cần làm trong chuỗi kế hoạch những việc phải làm trước khi bầu bí. Bên cạnh đó cũng đừng quên tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Rubella, Sởi, Quai bị… nếu bạn chưa có kháng thể. Cách tốt nhất là bạn nên đi cùng ‘ông xã’ đến phòng khám để cả hai đều nhận được sự tư vấn và cũng để chàng chuẩn bị tốt nhất trước khi bạn thụ thai.
- Tạm ngừng thuốc tránh thai: lời khuyên từ các bác sỹ là bạn nên dừng ngay việc uống thuốc tránh thai trước khi quyết định bầu bí khoảng 4 tháng và chuyển sang các biện pháp tránh thai khác. Đồng thời, thời gian này, bạn cũng nên kiểm tra kỹ lưỡng vòng kinh của mình để biết được thời gian rụng trứng – thời gian dễ dàng thụ thai nhất.
- Bổ sung dưỡng chất: Các thai phụ có nhu cầu năng lượng tăng khoảng 300Kcal/ngày. Thai phụ cần bổ sung các axit béo không no dạng omega-3, omega-6; các axít béo chuỗi dài như DHA, AHA; axit folic; beta caroten, vitamin A; vitamin C; vitamin D; canxi; carbonhydrat… Chị em cần ăn uống đúng bữa, đủ rau, cá, thịt, trứng, sữa… Ngoài ra, phải uống thêm các loại vitamin tổng hợp để sẵn sàng mang thai.
- Bỏ những thói quen xấu: Trong thời gian thụ thai và mang thai, bạn nên tuyệt đối tránh sử dụng rượu, thuốc lá và cà phê. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, phụ nữ trong thời gian trước và đầu mang thai nếu hút thuốc, uống rượu hoặc chịu tác động của khói thuốc quá nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ sảy thai, mang thai dị tật, sinh con sớm…
2. Chuẩn bị về tâm lý:
Chuẩn bị tâm lý thật thoải mái trước giờ vượt cạn
- Trang bị những kiến thức làm cha mẹ: Có rất nhiều sách về mang thai, sinh con, nuôi dạy con, dinh dưỡng cho trẻ…và hàng ngàn các chủ đề xoay quanh các thiên thần bé nhỏ. Nếu bạn không thích đọc sách thì có thể xem các hướng dẫn trong băng đĩa, hoặc thậm chí tham gia các lớp học liên quan. Hãy tận dụng thời gian khi đang mang thai để tìm hiểu về cuộc sống sau khi bé chào đời. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia vào các hội hoặc nhóm liên quan để học hỏi kinh nghiệm của các ông bố, bà mẹ đi trước.
- Học cách giải tỏa stress khi mang bầu: Trước khi mang thai, bạn có bao việc để lo, nào là sắp xếp lại công việc, chuẩn bị tài chính, chăm sóc cơ thể… Nếu không lên kế hoạch khoa học, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng stress. Những căng thẳng khi mang thai, đặc biệt là bệnh trầm cảm gây khó khăn cho người mẹ trong khi mang thai và sau khi sinh, việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Vì vậy, bạn cần phải học cách kiềm chế và tìm những phương pháp giảm stress hiệu quả trước khi mang thai. Nếu có đang gặp vấn đề về tâm lý, hãy giải quyết nhanh – gọn – đẹp. Luôn giữ tâm trạng phơi phới yêu đời.
3. Chuẩn bị về tài chính:
- Dành một ngân sách cho em bé: Việc có em bé sẽ khiến bạn phải chi tiêu nhiều hơn và bạn sẽ phải mất một thời gian nghỉ làm việc, ít nhất là lúc đầu. Điều này có nghĩa rằng thu nhập của bạn sẽ giảm đi. Vì vậy việc bạn nên làm trước khi sinh con để thiết lập một ngân sách là phân chia thu nhập, một phần cho chi tiêu trong gia đình và một phần cho em bé. Dự trù những khoản vào chi phí khi mang thai và sinh con. Bạn sẽ tốn rất nhiều tiền vào chi phí y tế, thực phẩm. Đây là một trong những khoản chi mà bạn phải dự trù trong ngân sách dành cho em bé. Bạn nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, những người đã có con vì họ có thể tư vấn giúp bạn.
- Tăng thu nhập: hãy thiết lập mục tiêu dài hạn và ngắn hạn để chuẩn bị tài chính cho bé. Ngay từ bây giờ bạn có thể xem xét làm thêm một số công việc. Bên cạnh việc làm toàn thời gian ở cơ quan, hai vợ chồng có thể làm thêm một số công việc tại nhà. Chồng bạn có thể làm các dự án, nhận làm cộng tác viên, kinh doanh trong khi bạn sẽ làm những việc nhẹ nhàng như nhận dịch tài liệu, bán hàng qua mạng Internet… Theo ý kiến của các chuyên viên y tế thì khi mang thai mà không có biến chứng thì vẫn có thể làm công việc thường lệ trong đời sống hàng ngày cho đến ngày gần sinh con.
- Tiết kiệm chi phí: trước khi sinh con, bạn sẽ phải thu xếp các khoản chi phí sinh hoạt của mình một cách hợp lý. Việc cắt giảm chi phí không cần thiết sẽ giúp bạn chuẩn bị tài chính vững chắc cho em bé. Hãy kiểm tra tất cả các hóa đơn mà bạn phải trả bao gồm điện, nước, điện thoại di động, truyền hình… Lên kế hoạch cắt giảm những chi phí không cần thiết.
TT
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.