Chăm sóc bé mọc răng: Mẹ cần biết?

Khi mọc răng, bé có thể biểu hiện một vài rối loạn trong cơ thể như mệt mỏi, rất quấy, hay khóc, ít ngủ, bứt rứt khó chịu và hay làm nũng cha mẹ.

Share this Post:
Nuôi dạy con

Thời kỳ mọc răng của bé:

Thời kỳ bé mọc răng sữa bắt đầu trong khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi. Không có mốc chuẩn cụ thể nào cho việc thời gian mọc răng của các bé, một số bé có thể bắt đầu sớm hơn hoặc cũng có thể muộn hơn.

Bộ răng sữa của bé tất cả gồm có 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới. Hai răng cửa hàm dưới sẽ mọc đầu tiên, sau đó các răng khác sẽ tuần tự mọc. Răng thường mọc theo từng cặp. Và răng hàm dưới thường mọc sớm hơn răng tương ứng ở hàm trên.

Khi mọc răng, bé có thể biểu hiện một vài rối loạn trong cơ thể như mệt mỏi, rất quấy, hay khóc, ít ngủ, bứt rứt khó chịu và hay làm nũng cha mẹ. Một số bé hay chảy nhiều nước miếng và hay gặm thứ gì đó cũng là những biểu hiện thường thấy. Khi dồn năng lượng cho việc mọc răng, sức bảo vệ cơ thể yếu đi nên bé dễ bị cảm, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, bé có thể bị sốt nhẹ và còn kèm theo đi ngoài phân lỏng.

Chăm sóc bé mọc răng: Mẹ cần biết?

Tập cho bé thói quen chăm sóc răng miệng từ khi còn nhỏ

Chăm sóc khi bé mọc răng:

  • Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí có thể sút cân. Vì vậy bạn nên vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn của bé bằng bột, sữa hoặc cháo loãng. Tăng cường lượng nước lọc cho bé uống.
  • Bé có thể ngứa lợi, thích gặm nhấm, cắn các vật rắn. Có thể làm dịu cho bé tạm thời bằng cách cho một vật nhẹ, mềm để bé cắn lên (như vòng mọc răng, ngậm núm vú giả bằng cao su) hoặc các loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ.
  • Nếu bé sốt trên 38,5 độ, bạn có thể cho bé uống thuốc hạ sốt (bằng paracetamol). Tuy nhiên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và cho bé uống theo chỉ dẫn.
  • Nếu bé đi ngoài phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, hãy cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ.
  • Sau khi ăn, nên cho bé uống một ít nước lọc để súc miệng rồi lau răng bằng khăn mềm. Bạn nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày để giữ vệ sinh răng miệng cho bé

Trong trường hợp bé quấy khóc, không chịu ăn kéo dài nhiều ngày liền (khoảng 1 tuần) có thể dẫn đến nguy cơ sụt cân, chậm tăng cân thì bạn hãy cho bé đến bác sĩ để tìm những lời khuyên tốt nhất.

Một số bé chậm mọc răng, có thể sau 8 tháng mới có dấu hiệu của mọc răng. Tuy nhiên, nếu con bạn đã được 12 tháng tuổi mà chưa có dấu hiệu nào thì bạn cần theo dõi. Vì đó có thể là những bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương, cần cho bé ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Ngoài ra, các bạn cũng lưu ý, trong quá trình mọc răng, không bao gồm các triệu chứng như ho, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài,… Đó có thể là triệu chứng của bệnh khác, khi đó bạn cần đưa bé đi khám ngay.

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by Julia Phạm
Julia Phạm Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.
[comment][/comment]

Related Posts: